An Giang, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện xuống giống được hơn 616.000ha cây lúa, nếp tăng hơn 8,8 ngàn héc ta so cùng kỳ, sản lượng cả năm ước đạt gần 4,1 triệu tấn, tăng hơn 152.000 tấn so cùng kỳ. Cây ăn trái diện tích gieo trồng 19,7 ngàn héc ta, ước tính tổng sản lượng thu hoạch ăn trái 234.000 tấn, bằng 106,62%, tăng 16.000 tấn so cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng rau màu gần 49,6 nghìn héc ta, tăng 1.080ha so cùng kỳ, năng suất các loại hoa màu tương đối ổn định. Đồng thời, thông qua các doanh nghiệp và các hợp tác xã, chợ đầu mối, siêu thị, thương lái trong và ngoài tỉnh đã liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích lúa, nếp là 96.601ha, diện tích rau màu là 30.721,4ha, diện tích các loại cây ăn trái là 17.797 ha.
Để đạt kế hoạch sản xuất, liên kết tiêu thụ năm 2024 đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đề nghị các địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch lịch thời vụ. Đồng thời, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác để tạo ra các sản phẩm rau, màu, sản phẩm OCOP bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
An Giang là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 về diện tích sản xuất lúa gạo chỉ sau Kiên Giang nhưng năng suất lúa An Giang luôn dẫn đầu ở khu vực. Bình quân hàng năm An Giang sản xuất hơn 630 nghìn héc ta lúa là trong những nguồn cung cấp lúa gạo rất lớn cho nhu cầu trong và ngoài nước. Trong cơ cấu giống có tỷ lệ lúa chất lượng cao và lúa thơm cũng tăng dần qua từng năm đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất.
Để thúc đẩy chuỗi liên kết tiêu thụ, thời gian qua An Giang đã tích cực mời gọi và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 40 doanh nghiệp thu mua lúa gạo và 20 doanh nghiệp có thực hiện liên kết với hợp tác xã và nông dân theo chuỗi như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trung An, Công ty Angimex-kitoku, Công ty Tấn Vương…
Liên kết với doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để An Giang có thể chuẩn bị tham gia vào đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, An Giang đã đăng ký tham gia Đề án với lộ trình 100.000 ha đến năm 2025 và 150.000 ha đến năm 2030.
Với sản lượng lớn gạo, trong tháng 10 này An Giang ước xuất khẩu đạt 50,6 nghìn tấn, tương đương 30,4 triệu USD, ước kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm đạt 490,7 nghìn tấn, tương đương 278,9 triệu USD so với cùng kỳ tăng 10,88% về sản lượng và tăng 14,63% về kim ngạch. Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường châu Á: Trung Quốc, Malaysia, Singapore… tiếp theo là thị châu Phi, Ghana; châu Âu: Pháp, Đức, Bồ Đào Nha…; châu Mỹ: Mỹ, Brazil… và châu Đại Dương.
An Giang luôn chủ động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nên tỷ lệ áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” luôn được chú trọng. Theo thống kê đến nay toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích canh tác lúa đều áp dụng “3 giảm 3 tăng”, 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm”.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Các địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch lịch thời vụ; Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.
Các công ty, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, vùng liên kết phải chủ động tăng diện tích triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt phù hợp. Xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có mã số vùng trồng. Đẩy mạnh rà soát thay thế người đứng tên của các mã số vùng trồng, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết; Tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường, như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc...
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi