Thị trường

Ba Lan rất quan tâm khi Việt Nam mở thị trường đối với thực phẩm Châu Âu

Ái Vân - 12:00 25/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 24/2, tại TP. HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI TP. HCM) phối hợp cùng Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam tổ chức chương trình Kết nối kinh doanh Việt Nam - Ba Lan.

 

Quang cảnh buổi Kết nối kinh doanh Việt Nam - Ba Lan. Ảnh: ĐVCC

Hiện nay, Ba Lan hiện là đối tác số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước

Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vào tiềm năng này, mặt bằng hợp tác trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm giữa hai nước rất rộng mở.

Ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Ba Lan cho biết: Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Ba Lan, sản phẩm nông sản hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Việt Nam có thể trở thành điểm đến tại khu vực châu Á đối với Ba Lan. Ba Lan cũng sẵn sàng trở thành điểm giới thiệu nông sản Việt Nam tại khu vực châu Âu và Đông Âu.

Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Hiện nay, Ba Lan đang xúc tiến nhiều chương trình hợp tác với Bộ NN&PTNT Việt Nam để có thể tăng cường hợp tác đầu tư giữa  doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI HCM) cho biết: Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan tuy có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa xứng tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những rào cản cơ bản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau.

Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ để nghị viện tất cả các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới.   

Riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: hàng thủy sản cá tra, cá basa, tôm và nông sản cà phê, hạt tiêu, gạo, chè, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo…

Ngược lại, với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Ba Lan thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư của Vinamilk với trị giá 3 triệu USD thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng kinh doanh vật tư nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), nghị viện châu Âu và quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn, chỉ còn phải chờ tất cả nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực. Đây là chìa khóa để thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển quan hệ đầu tư giữa hai bên theo đúng tiềm năng.

Ông Alexander Nowakowski, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi chứng kiến rõ ràng chuỗi cung ứng thực phẩm và nông phẩm trên thị trường rất là phức tạp, rất dễ bị đứt cho nên chúng tôi rất quan tâm và rất mừng khi Việt Nam mở thị trường đối với các loại thực phẩm đến từ châu Âu và ngược lại.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác