Bảo đảm đồng bộ trong điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Tiếp tục Phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất
Theo Tờ trình về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến nay cho thấy, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất không còn phù hợp; đồng thời, do yêu cầu về rà soát, điều chỉnh định kỳ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017…
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Kỳ họp thứ 8 tới đây là cần thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý, công cụ quản lý, giải phóng nguồn lực đất đai góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu: Điều chỉnh 6 chỉ tiêu sử dụng đất gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh; điều chỉnh loại bỏ kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia (thuộc thẩm quyền của Chính phủ).
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trường hợp Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì có bao nhiêu quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia hoặc các quy hoạch khác liên quan phải thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ theo quy định của Luật Quy hoạch và tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch đối với các quy hoạch khác; đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn…
Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá Tờ trình của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và việc điều chỉnh phù hợp với kỳ rà soát quy hoạch. Song, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, làm rõ tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch đến các quy hoạch thấp hơn trong hệ thống quy hoạch quốc gia như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh và thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các đại biểu Quốc hội có đầy đủ cơ sở để xem xét, quyết định.
Khẳng định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả nước và từng địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị khi trình nội dung này ra Quốc hội phải thể hiện rõ về mặt chủ trương, bảo đảm phù hợp với 7 căn cứ nêu tại Điều 53, Luật Quy hoạch; làm rõ hơn các căn cứ về sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực ở địa phương; tuân thủ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, các hệ sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch theo đề xuất của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu tình hình thực hiện Quy hoạch và nhu cầu sử dụng đất đã nêu trong Tờ trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội; phân tích, đánh giá toàn diện, làm rõ hơn nữa các nguyên nhân đề xuất, các căn cứ, giải pháp, lưu ý các chỉ tiêu, cải thiện hiệu quả việc thực hiện Quy hoạch và việc phải điều chỉnh quy hoạch đất, sử dụng đất; đánh giá tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến việc phải điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tác động đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, việc phát triển các công nghiệp, khu công nghệ cao để sử dụng đất một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai...
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; xem xét quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Thứ Sáu ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghỉ. Thứ Hai ngày 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 38./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025