Cà Mau xác định 9 loại giống nông nghiệp chủ lực quốc gia trên địa bàn
Nghị quyết phát triển giống nông nghiệp là cần thiết và đúng thẩm quyền. Cà Mau là địa phương có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm khá cao, mà con giống là yếu tố quan trọng, đầu vào để hình thành cả quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thị trường xuất khẩu và tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh Cà Mau cho biết: Ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2021/TT-BTC, quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, tại khoản 1, Ðiều 6, quy định: “UBND cấp tỉnh trình HÐND tỉnh phê duyệt nội dung được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác theo Quyết định số 703/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương và theo quy định tại Ðiều 5 thông tư này".
Tại khoản 1, Ðiều 9, quy định: “Mức chi quy định tại thông tư này là mức chi tối đa. Căn cứ khả năng cân đối nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán được giao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, HÐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện nhưng tối đa không vượt quá mức chi quy định tại thông tư này".
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh Cà Mau. Theo kịp xu thế phát triển, Cà Mau đã tập trung vào chất lượng giống và hình thức canh tác nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh, tính an toàn, bền vững trong sản xuất. Loại bỏ các cây, con giống có năng suất, hiệu quả thấp như giống lúa tạp, sò huyết, cua giống năng suất thấp.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sự ra đời của nghị quyết nhằm cụ thể hoá văn bản của Trung ương giao cho địa phương ban hành quy định chi tiết phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối nguồn lực tại địa phương; đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, nhằm cung cấp cho sản xuất giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo tinh thần Quyết định số 703/QÐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã ban hành Ðề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023-2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 770/QÐ-UBND ngày 26/4/2023, để làm căn cứ xác định danh mục giống chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh và giống khác cần tập trung đầu tư phát triển để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo khái toán của đề án trên, nhu cầu vốn từ nguồn sự nghiệp kinh tế khoảng 62,2 tỷ đồng, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống, trong đó giai đoạn 2023-2025 là 29,12 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 33,08 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Ðề án Phát triển sản phẩm sò huyết trên địa bàn đến năm 2030 và Ðề án Phát triển bền vững nghề cua tỉnh Cà Mau đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, nghiên cứu phát triển quy trình sản xuất sò huyết giống nhân tạo nhằm chủ động được 40%; đến năm 2030 chủ động được 80% nguồn sò huyết giống trên địa bàn toàn tỉnh. Ðối với đề án cua, đến năm 2025, năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,25 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi, khoảng 0,516 tỷ con/năm, còn lại là xuất ngoài tỉnh; đến năm 2030 năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm.
Từ nhu cầu thực tế trong nuôi xen canh trên cùng diện tích, Cà Mau đã chủ động được nguồn sản xuất giống sò huyết, từng bước đáp ứng nhu cầu. Nhờ chủ động về nguồn giống và cải tiến hình thức nuôi theo từng giai đoạn, nhiều vùng ven biển trong tỉnh đã phát triển nghề nuôi sò huyết thương phẩm xen canh trong ao nuôi tôm, cua, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Theo Nghị quyết phát triển giống nông nghiệp nêu trên, đối tượng được chi đảm bảo kinh phí và hỗ trợ một phần kinh phí là cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống.
Ngoài ra, mức chi cụ thể đối với học viên tham gia các lớp tập huấn phát triển giống không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được hỗ trợ tiền ăn 150 ngàn đồng/người/ngày; đi lại là 200 ngàn đồng/người/khoá học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, xã đảo, mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/người/khoá học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên; phòng nghỉ hỗ trợ 200 ngàn đồng/người/ngày.
Theo Ðề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2030, tỉnh đã xác định 9 loại giống nông nghiệp chủ lực quốc gia trên địa bàn gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, lúa, chuối, heo, gà, vịt, keo lai, tràm, đước và 5 loại giống nông nghiệp khác gồm: tôm càng xanh, cua biển, sò huyết, cá đồng, cá nước mặn - lợ.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi