Xã hội

Đại biểu QH đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 

07:05 04/11/2023 GMT+7
Một số đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp lần này. Đây cũng là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hôm nay, Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với 140 ý kiến đăng ký, 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận. Đây là một trong những dự thảo luật được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Dai bieu QH de nghi chua thong qua du thao Luat Dat dai sua doi hinh anh 1Đại biểu Dương Khắc Mai phản ánh việc tài liệu dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được gửi đến các đại biểu quá muộn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau rất nhiều các vấn đề được các đại biểu phân tích, nêu ý kiến góp ý, một số đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp lần này. Đây cũng là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Dự thảo luật có rất nhiều điều, khoản đưa ra hai, thậm chí ba phương án khác nhau, nhưng lại chậm trong việc gửi các văn bản liên quan để đại biểu có thể nghiên cứu sâu hơn. 

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, dự thảo Luật Đất đai là một dự thảo luật hết sức quan trọng nhưng đến 19 giờ tối qua, 2/11, đại biểu Quốc hội mới nhận được hồ sơ dự thảo luật kèm theo các văn bản có liên quan, đặc biệt là các báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dài 413 trang. 

“Dự thảo luật là một công trình công phu, đồ sộ, rất nhiều nội dung có 2 phương án và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định nhiều chính sách quan trọng, chưa thiết kế được phương án tối ưu, trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh những vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau. Có thể nói, đây là một bức tranh về quản lý đất đai đang từng bước được hoàn thiện, theo tôi thì còn bộn bề những công việc. Điều này cũng đúng với tầm quan trọng và sự tác động của đất đai trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay,” đại biểu Mai nhận định.

Dai bieu QH de nghi chua thong qua du thao Luat Dat dai sua doi hinh anh 2Đại biểu Lò Thị Luyến phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng do thời gian rất ngắn, đại biểu chưa thể nghiên cứu thấu đáo để lựa chọn các phương án. “Đối với các nội dung dự thảo luật trình Quốc hội có 2 đến 3 phương án, tôi xin phép tham gia ý kiến bằng văn bản,” đại biểu Luyến nói.

“Tôi đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 này, để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn các phương án mà dự thảo đưa ra cho thật sự phù hợp vì đây là luật quan trọng liên quan tới các đối tượng trong xã hội. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề vào thời gian tới như dự kiến và tài liệu nên cần chuyển cho đại biểu Quốc hội sớm để nghiên cứu thấu đáo các nội dung,” đại biểu Luyến kiến nghị.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Nhận định việc thông qua dự thảo luật là cấp bách nhưng đại biểu Giang cho rằng qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của Ban Thường vụ Quốc hội. 

“Với nhận định của Thường vụ Quốc hội và với dự thảo luật rất nhiều phương án trình ra Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, tôi cho rằng cần phải rất thận trọng. Nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực,” đại biểu Nguyễn Trường Giang nói. 

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác