Đồng Nai tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ từ công nghệ Nhật Bản
Tại đây, Đoàn đã trao đổi về việc thực hiện cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ.
Tại buổi làm việc với Đại học Ritsumeikan - cơ sở có lịch sử hơn 100 năm, được xếp hạng cao nhất trong số các trường đại học tư nhân của Nhật Bản - lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, song Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành nước có nền kinh tế lớn mạnh, đứng thứ 3 trên thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Để có được thành tựu đó, Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp với chính sách phát triển sản xuất có chọn lọc và hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp. Để thực hiện chuyển giao các khoa học – công nghệ, cơ giới hoá... các viện nghiên cứu đã tăng cường liên kết với các trường đại học, các hệ thống khuyến nông, các tổ chức của nông dân để giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi giới thiệu với phía Nhật Bản: Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 5.900 km2, chiếm 1,9 % diện tích Việt Nam. Dân số tỉnh Đồng Nai hơn 3 triệu người, khoảng 3,2% dân số cả nước. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và ổn định, bình quân 7 - 8% năm. Về giáo dục, là tỉnh công nghiệp lớn của Việt Nam, nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai đã đón một lượng rất lớn cư dân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đến sinh sống, làm việc, do đó đào tạo luôn được tỉnh quan tâm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Về nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai có nhiều tiềm năng; nằm trong vùng địa hình bình nguyên, núi sót rải rác, hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và có thể chia thành 3 dạng: núi thấp; đồi lượn sóng và đồng bằng. Với trên 66% diện tích có độ dốc < 80, có thể khẳng định đất ở Đồng Nai tương đối bằng phẳng. Đất tỉnh Đồng Nai có 8 nhóm đất chính: nhóm đất xám khoảng 215 ngàn ha (36% diện tích); nhóm đất đen khoảng 120 ngàn ha (20% diện tích); nhóm đất đỏ vàng khoảng 86 ngàn ha (14% diện tích); nhóm đất phèn khoảng 22,5 ngàn ha (4% diện tích); nhóm đất thung lũng hay còn gọi là nhóm đất dốc tụ khoảng 19 ngàn ha (3,2% diện tích); nhóm đất phù sa: 3,3 ngàn ha (0,6% diện tích); nhóm đất cát: 575 ha (0,1% diện tích); nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá: 2,5 ngàn ha (0,41% diện tích ). Đây là cơ sở để tỉnh Đồng Nai đa dạng hóa các loại cây trồng nông nghiệp, đặc biệt là đất đỏ basal thích hợp phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả như: cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, bưởi, xoài, mít, sầu riêng,… trong đó nổi bật với đặc sản Bưởi Tân Triều có chỉ dẫn địa lý và 131 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa khác.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai cũng đang đối mặt với những thách thức do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa làm cho các nguồn lực trong nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang có xu thế giảm nhanh, nhường chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khác; trong đó, các nguồn lực giảm đáng kể là đất nông nghiệp và lao động trong nông nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường đất nước và nguy cơ dịch bệnh gia tăng.
Trong sản xuất nông nghiệp, đất là một tư liệu sản xuất quan trọng, do đó từ lâu Nhật Bản đã quan tâm chú trọng đến việc bảo vệ, khai thác sử dụng đất nông nghiệp; chú trọng áp dụng các công nghệ xanh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ đất và nước trong canh tác gọi là nền nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai cũng đang tập trung triển triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quá trình tìm hiểu, tỉnh biết được Đại học Ritsumeikan đang triển khai ứng dụng công nghệ chẩn đoán dinh dưỡng đất Sofix; đây là một trong những công nghệ do Giáo sư Kubo Motoki phát minh sau nhiều năm nghiên cứu. Được biết đây là một công nghệ giúp hài hòa vật liệu hữu cơ và vi sinh vật và tạo vật liệu hữu cơ tại chỗ, góp phần tái sản xuất thân thiện với môi trường.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bày tỏ mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai kết hợp với Đại học Ritsumeikan sẽ hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo đó Đồng Nai đang ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản. Vì thế, mong muốn được chia sẻ các thành tựu khoa học công nghệ và kinh nghiệm quý giá trong phát triển nông nghiệp; hỗ trợ về đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ để hình thành các các nhóm nghiên cứu của cán bộ khoa học; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, cải thiện chất lượng nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của người sản xuất.
SOFIX là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới. Trên thực tế, “làm đất” trong nông nghiệp là sự kết hợp một cách khoa học về tính chất hóa, lý, và vi sinh để có thể chẩn đoán một cách phù hợp. Công nghệ SOFIX (Soil Fertile Index – Chỉ số dinh dưỡng đất) ra đời, giúp thực hiện chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ sở khoa học kết hợp với tính chất hóa, lý của đất với 19 chỉ tiêu. Công nghệ mang tính đột phá trong hoạt động “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao mức sản sinh đất cũng như nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi