Thời sự trong nước

Dự kiến xem xét 4 nội dung tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5

07:24 09/01/2024 GMT+7
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội xem xét, quyết định 4 nội dung, trong đó có 2 dự án luật là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chiều 8/1, tiếp tục Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)
Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, gồm: Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.

Về dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, trong đó có bố trí thời gian nghỉ 1 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc. Với phương án này, Kỳ họp sẽ khai mạc ngày 15/1, bế mạc vào sáng 18/1 và nghỉ ngày 17/1.

Với dự kiến thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội dành ngày đầu tiên của Kỳ họp để nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật), chỉ tập trung vào các điểm mới so với Kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau. Hai dự thảo Luật này sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.

Thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp chỉ còn khoảng 1 tuần, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung, gửi tài liệu kỳ họp đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi tham dự Kỳ họp.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Tổng Thư ký đề nghị thực hiện như các kỳ họp bất thường trước đó. Các Đoàn đại biểu Quốc hội không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp này. Nội dung chương trình, kết quả Kỳ họp sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hai dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua đều là các dự án luật khó, phức tạp trong khi thời gian để rà soát không nhiều là một áp lực rất lớn. Thời gian vừa qua, các cơ quan đã làm việc xuyên ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần để kịp thời chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu.

Với quỹ thời gian đã bố trí tại kỳ họp bất thường, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng rất khó để tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến; vì vậy, cần tập trung cho ý kiến có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung lớn, quan trọng của 2 dự án Luật này.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương nỗ lực chuẩn bị hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác thông tin, truyền thông về Kỳ họp, bám sát diễn biến, truyền tải đầy đủ các nội dung tại nghị trường để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát, đảm bảo Kỳ họp diễn ra thành công./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác