Tiêu điểm

EU gia tăng cảnh báo đối với nhập khẩu từ Việt Nam và giải pháp chiến lược nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Bảo Minh - 07:10 03/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường trong số lượng cảnh báo từ EU, dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu. Đó là thông tin được TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP tổ chức sáng 2/8/2024 tại TP.HCM.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP tại TP.HCM. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Phổ biến nhiều quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu thủy sản vào các thị trường trọng điểm

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM – Bộ NN&PTNT) đã cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản của Liên minh châu Âu (EU) và trong khối RCEF (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020..

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM), cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa thông tin: Tại thị trường EU, thủy sản nuôi phải được xây dựng, triển khai và công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh (HCKS). Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh phải có Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch và được công nhận. Hàng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU về kết quả triển khai chương trình và định kỳ bị thanh tra. EU yêu cầu lập danh sách riêng cho các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, và gelatin/collagen từ nguyên liệu thủy sản, và các cơ sở trong chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế, kho lạnh, chế biến, tàu cấp đông đến tàu chế biến phải có trong danh sách này. Các quy định về chống khai thác IUU cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Về khó khăn tại thị trường này, bà Hoa cho biết, các lô hàng thủy sản của Việt Nam thường bị EU cảnh báo về việc tăng hóa chất kháng sinh và Việt Nam vẫn chưa khắc phục được “thẻ vàng” trong quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). EU có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bao gồm cả thủy sản nhập khẩu, và đòi hỏi chứng thư và kiểm soát theo cả chuỗi sản xuất. Sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được sử dụng cho công nghiệp đồ hộp.

Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài động vật thủy sản sống. Riêng các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm phải được cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) /vệ sinh thú y và cấp mã số. Đồng thời, cơ quan thú y địa phương phải giám sát các bệnh trên tôm nuôi như TSV, MBV, WSSV, IHHNV trong 3 giai đoạn nuôi. Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.

Với thị trường này, bà Hoa nêu một số khó khăn, hạn chế như việc xử lý và phê duyệt hồ sơ trên CIFER từ phía Trung Quốc thường chậm. Sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết hạn để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tránh ách tắc thương mại.

Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài động vật thủy sản sống. Ảnh minh hoạ

Đối với thị trường Mỹ, yêu cầu kiểm soát ATTP đối với cá Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm những điểm chính sau: Ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố quyết định công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2020 về “Chương trình kiểm soát ATTP cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, quy định các điều kiện sản xuất phải tuân thủ, tích hợp các yêu cầu của FSIS: Code of Federal Regulations (CFR)-Title 9 Animals and Animal Products và Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT. Sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục giám sát và định kỳ thanh tra lại hệ thống kiểm soát ATTP trong chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra của Việt Nam.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản (NFQS) quản lý các cơ sở không sử dụng phụ gia, trong khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) quản lý các cơ sở sử dụng phụ gia. NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm bị cảnh báo khi thuộc nhóm có hại chung (vi sinh vật tổng số, kháng sinh hạn chế sử dụng,…). Nếu sản phẩm thuộc nhóm đặc biệt có hại (kháng sinh cấm, vi sinh vật gây bệnh,…), NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm của cơ sở đó. NFQS cũng quy định chế độ xử lý nhiệt cụ thể đối với tôm nấu chín xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không yêu cầu xét nghiệm bệnh.

Đối với thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa lưu ý về quy định ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU nhập khẩu được áp dụng từ 01/12/2022, áp dụng cho các loại mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, thuỷ sản Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường số lượng cảnh báo từ EU

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, hiện nay xu thế các quốc gia/vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu và xu thế các thị trường sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...

TS. Ngô Xuân Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường trong số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh Nguyễn Thuỷ

TS. Ngô Xuân Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường trong số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023, khi chỉ có 31 cảnh báo. Đặc biệt, TP.HCM đóng góp một tỷ lệ lớn với 23/57 lượt cảnh báo, mặc dù các vùng sản xuất chính có thể không nằm tại TP.HCM. 

Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%). 

EU định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, sự góp ý từ Việt Nam đối với các thông báo dự thảo về biện pháp SPS vẫn còn hạn chế. Chỉ một số ít địa phương, chẳng hạn như Hải Dương, thực sự quan tâm và có phản hồi đầy đủ và kịp thời. Ngược lại, việc góp ý cho các thông báo và dự thảo biện pháp SPS của các thành viên WTO còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng không thể hiện rõ quan điểm và yêu cầu của Việt Nam.

Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS. Ngô Xuân Nam nêu một số sản phẩm nông sản của Việt Nam bị EU cảnh báo gồm: Rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật: Thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm…; Sản phẩm thủy sản: Cá, mực, tôm, ếch, ngao…; Sản phẩm chế biến khác: Tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…

Ớt là một trong những nông sản xuất sang châu Âu bị EU cảnh báo, phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn 50%.

Nguyên nhân gia tăng số lượng cảnh báo được ông Ngô Xuân Nam nhìn nhận: Một trong những nguyên nhân làm tăng mức độ cảnh báo nông sản Việt Nam nhập khẩu vào EU là do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Vì quy định mức dư lượng tối đa (MRL) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Ví dụ ở Thừa Thiên Huế năm 2020, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Từ vùng trồng, hiện tượng sử dụng thuốc BVTV, phân bón không đúng quy định, vượt mức dư lượng thuốc BVTV cho phép; kiểm soát sinh vật gây hại, các nguồn tác động còn chưa chặt chẽ; chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau.

Từ vùng nuôi thủy sản, còn hiện tượng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản do người nuôi tự ý sử dụng kháng sinh, sử dụng không đúng liều lượng và thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh. Môi trường nuôi cũng bị ô nhiễm bởi các nguồn như thuốc BVTV và phân bón hóa học.

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói. 

Bên cạnh đó, quy trình đóng gói, sơ chế, chế biến và kiểm tra nguyên liệu đầu vào cần tuân thủ quy trình HACCP và tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, ATTP đối với bao bì sản phẩm.

Giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Theo TS. Ngô Xuân Nam, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.

Đề án gồm 8 nhóm nhiệm vụ, 9 giải pháp và 10 hoạt động ưu tiên. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Song song với hoạt động triển khai Đề án, cần có sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.

Cùng với đó, cơ quan quản lý Trung ương cần tăng cường đàm phán tháo gỡ khó khăn với các nước nhập khẩu về các biện pháp SPS; ký kết và nâng cấp các FTA; thúc đẩy mở cửa thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thường xuyên về các biện pháp ATTP tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Cập nhật các quy định của các nước nhập khẩu để phổ biến kịp thời cho các cơ quan, đơn vị để có điều chỉnh phù hợp; tăng cường biên soạn, đăng tải các tài liệu, cẩm nang về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, ATTP, SPS của các thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…

Các địa phương cần  xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Về phía địa phương, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định về kiểm dịch động thực vật, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ATTP và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, kho lạnh quy mô lớn; tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.

Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang EU không gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần chú ý kiểm soát các hoạt chất và vi sinh vật được khuyến cáo bởi các cảnh báo từ EU. 

Các hoạt chất, vi sinh vật được Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo cần chú ý kiểm soát:

Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp chú ý kiểm soát các hoạt chất dựa trên các cảnh báo từ EU cho nông sản Việt Nam. Dưới đây là danh sách các hoạt chất và vi sinh vật cần lưu ý:

Sản phẩm thủy sản:

Cá: Azithromycin, Ivermectin, Leucomalachite green, Malachite green, Natri Cacbonat.

Mực: Cadmium.

Ếch: Nitrofuran (metabolite) furazolidone (AOZ).

Tôm: Leucomalachite green, Leucomalachite violet, Nitrofuran (metabolite) furazolidone (AOZ), Ternidazole, Vibrio parahaemolyticus, Vibrio vulnificus.

Ngao: Perfluorooctanoic acid (PFOA).

Nhóm rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật:

Thanh long: Chlorfenapyr, Chlorothalonil, Forchlorfenuron, Iprodione, Propamocarb.

Ớt: Carbofuran, Chlorfenapyr, Diafenthiuron, Dimethoate, Famoxadone, Hexaconazole, Iprovalicarb, Permethrin, Profenofos, Propiconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole.

Quế: Chlorpyrifos-methyl, Clostridium perfringens.

Đậu bắp: Flonicamid, Thiamethoxam.

Sầu riêng: Acephate, Acetamiprid, Azoxystrobin, Buprofezin, Carbendazim, Chlorantraniliprole, Dimethomorph, Fipronil, Fenpropathrin, Fenvalerate, Imidacloprid, Lambda-cyhalothrin, Metalaxyl, Methamidophos, Prochloraz, Procymidon, Profenofos, Propiconazole, Pyraclostrobin, Thiamethoxam…

Chôm chôm: Cadmium.

Chè: Acetamiprid, Anthraquinone, Imidacloprid, Lambda-cyhalothrin.

Sản phẩm chế biến khác:

Dầu quế: Phthalate DEHP - di(2-ethylhexyl).

Mứt: Sulphite (Phụ gia không khai báo).

Miến Khô: Chlorpyrifos, Tolfenpyrad.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác