Đoàn công tác Hội Nông dân Việt Nam tại Hà Lan:
Khảo sát mô hình quản lý thực trạng nông nghiệp hoàn toàn bằng công nghệ
Được biết, từ năm 1999 Trung tâm thực nghiệm Đại học Wageningen đã được tư nhân hóa và trở thành nơi nghiên cứu và bảo vệ thực vật thuộc Trường Đại học Wageningen, với nguồn ngân sách dồi dào từ Chính phủ Hà Lan cũng như các công ty, doanh nghiệp khác trên khắp đất nước Hà Lan luôn có nhu cầu đặt hàng và thử nghiệm thì Trung tâm này luôn phát huy mạnh mẽ vai trò nghiên cứu của mình, đặc biệt đối với các loại trái cây như: táo, lê hay cherry...
Thử nghiệm mô hình sử dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp
Hiện tại, Trung tâm Wageningen đang đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm quản lý độ cao của cây trồng cũng như đẩy mạnh công nghệ lựa chọn hệ thống, phân loại trái cây tự động với nhiều yếu tố khắt khe như: kích cỡ, độ ngọt, độ cứng ngay sau khi thu hoạch tại ruộng cũng như thử nghiệm sử dụng robot để hái quả...
Ở thời điểm hiện tại, Trung tâm Wageningen đang kết hợp với Công ty RMA để thử nghiệm mô hình mới về quản lý tưới kết hợp với quản lý dịch bệnh trên cây táo. Đồng thời RMA cũng đang cùng Trung tâm Wageningen thử nghiệm hệ thống quản lý tưới tiêu, trạm dự báo thời tiết để dự đoán các bệnh cây, áp dụng công nghệ quản lý tưới tiêu dựa trên cảm biến...
Ông Peter Raatjes, Giám đốc Công ty RMA chia sẻ: “Với 40 năm kinh nghiệm, chúng tôi là chuyên gia trong việc chuyển dữ liệu cảm biến phức tạp thành tư vấn trong trồng trọt thực tế và dễ hiểu. Công nghệ cảm biến của chúng tôi thân thiện với người dùng. Mỗi ngày, chúng tôi giúp người nông dân sử dụng công nghệ để đạt hiệu quả năng suất cao. Chúng tôi rất vui mừng thực hiện điều này ở cả Hà Lan và nhiều nước khác trên thế giới, chúng tôi sẽ không ngừng phát triển để cung cấp công nghệ mới thực sự hiệu quả và mang lại hiệu quả”.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty RMA cùng Trung tâm Wageningen đang nghiên cứu thử nghiệm quản lý độ cao của cây và nghiên cứu trồng cây lê, táo theo hình chữ V (hướng đón ánh nắng mặt trời) để đạt sự thích nghi cao nhất của cây lê đối với thời tiết khắc nghiệt (thiếu ánh nắng) của Hà Lan. Không dừng lại ở đó, RMA và Trung tâm Wageningen còn tích hợp quản lý cây trồng thông qua công nghệ scan các hình ảnh, qua đó có thể quản lý được chi tiết số lượng hoa cụ thể trên cây lê và táo.
Theo đại diện của RMA, qua scan nếu trên 500 hoa/cây thì sẽ phun thuốc để rụng hoa, chỉ để lại 100 hoa/cây để đảm bảo chất lượng cho quá trình đậu quả; RMA cũng sử dụng bản đồ từng khu để nắm được lượng dinh dưỡng cây cần bao nhiêu để bón tự động; hệ thống mái che mưa, nắng tự động để tránh bệnh và cỏ trên cây táo, lê, qua đó có thể giảm được 95% thuốc bảo vệ thực vật...
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, một số nông dân Việt Nam cũng đã áp dụng các công nghệ mới, rất hiệu quả. Nhận thấy công nghệ của bạn chia sẻ rất thiết thực, ý nghĩa và hoàn toàn có thể ứng dụng tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách về hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Việc nông dân được tai nghe mắt thấy các kết quả của mô hình thí điểm về áp dụng công nghệ sẽ rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Đề nghị trong thời gian tới, Công ty RMA và Trung tâm Wageningen hỗ trợ các mô hình thí điểm tại Việt Nam để nông dân có cơ hội học hỏi và nâng cao nhận thức cũng như có thể áp dụng các phương pháp khoa học, công nghệ vào nông nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Kiểm soát hiệu quả độ ẩm, tưới tiêu, thoát hơi nước hoàn toàn bằng khoa học công nghệ
Theo Công ty RMA, việc quản lý tưới tiêu theo thì sẽ sử dụng cảm biến độ ẩm của đất để sử dụng nước sao cho đạt hiệu quả nhất. Cảm biến độ ẩm đất sẽ đo được lượng nước hấp thụ hàng ngày từ các lớp đất khác nhau một cách chính xác nhất, thông tin này sẽ xác định thời điểm thích hợp để tưới và lượng nước phù hợp. Trồng trọt bằng công nghệ quản lý tưới RMA sẽ đảm bảo sản lượng cũng như lợi nhuận cao và khi không sử dụng nhiều nước hơn mức cần thiết sẽ góp phần tạo nên một nền nông nghiệp bền vững.
Ngoài cảm biến độ ẩm đất, RMA còn lắp đặt một trạm thời tiết để đo dữ liệu hiện tại về lượng thoát hơi nước và lượng mưa của cây trồng. Điều này mang lại một bức tranh hoàn chỉnh hơn nữa về lượng nước mà cây trồng có thể sử dụng trong ngày.
Việc áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn được RMA và Trung tâm Wageningen thể hiện bằng việc toàn bộ dữ liệu thu được từ cảm biến độ ẩm đất và trạm thời tiết được gửi 30 phút một lần qua kết nối 4G hoặc LoRa tới môi trường trực tuyến an toàn trong Đám mây RMA. Bảng điều khiển RMA sau đó chuyển đổi dữ liệu thành lời khuyên tưới tiêu thân thiện với người dùng. Người trồng có thể xem lời khuyên này 24 giờ một ngày thông qua ứng dụng máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, qua đó RMA đảm bảo rằng người trồng có thể dễ dàng làm việc với điều này....
Những hình ảnh đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm thực nghiệm Đại học Wageningen (Hà Lan):
- Tôn vinh 56 “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024
- Bài diễn văn khai mạc Chương trình Tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" lần thứ V, năm 2024
- Gala Dinner chào mừng "Nhà khoa học của Nhà nông" và các tác giả cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông"
- Tạp chí Nông thôn mới cùng các nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà đồng bào vùng bão lũ tại tỉnh Cao Bằng