"Hà Lan sẵn sàng là đối tác đồng sáng tạo với Việt Nam trong nông nghiệp"
Trung tâm Nhà vườn Thế giới là một trung tâm quốc tế về kiến thức và đổi mới trong lĩnh vực làm vườn nhà kính, đóng vai trò là nền tảng hàng đầu cho doanh nghiệp, các cơ quan giáo dục, nghiên cứu và chính phủ cùng đổi mới, kết nối, truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức về công nghệ xanh cho ngành làm vườn.
Horticulture (trồng trọt/làm vườn) là một trong top 9 ngành nghề trong chiến lược phát triển kinh tế Hà Lan. Ngành trồng trọt của Hà Lan phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, cung cấp nông phẩm cho thị trường thế giới. Là nước sáng tạo hàng đầu về công nghệ nhà kính, ngành trồng trọt Hà Lan đóng vai trò hàng đầu trên thị trường quốc tế về hoa, cây trang trí, rau quả, củ giống hoa và vật liệu tái tạo. Hà Lan là nước xuất khẩu đứng thứ ba thế giới về các sản phẩm trồng trọt dinh dưỡng và đứng thứ hai về xuất khẩu nông phẩm (sau Mỹ).
WHC là một minh họa sinh động cho tư duy tích hợp, tầm nhìn bao quát và dài hạn của Hà Lan nói chung và doanh nghiệp Hà Lan nói riêng. Tổ hợp là một điển hình về sự kết nối theo công thức "tam giác vàng" giữa Chính phủ – cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp, trong đó Chính phủ tạo điều kiện, cơ chế nhưng không hỗ trợ tài chính (theo quy định về cạnh tranh lành mạnh).
Trung tâm có 3 khu liên hoàn: Giáo dục đào tạo, nghiên cứu – phát triển, hợp tác kinh doanh. Nơi này cũng là diễn đàn chia sẻ về công nghệ, đổi mới sáng tạo của lĩnh vực trồng trọt trong nhà kính. Hằng năm, WHC tiếp đón khoảng 25.000 khách, chuyên gia quốc tế đến tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trong ngành trồng trọt và tham gia các hội chợ. WHC có 1 trường dạy nghề trồng trọt hệ 4 năm cho khoảng 1.200 sinh viên, chưa kể các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế trong ngành này với các khóa học từ 3-4 tháng/năm.
Đây cũng là nơi hội tụ, trưng bày và giao lưu thường xuyên của 130 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành trồng trọt với những sản phẩm hiện đại; có khu nghiên cứu hiện đại với 40 phòng thí nghiệm.
Thời gian qua, Hà Lan đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, điển hình là về nông nghiệp với các dự án hỗ trợ kỹ thuật (chăn nuôi bò sữa, khí sinh học, trồng trọt…) khi Việt Nam tiến hành quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường trong những năm đầu 90 của thế kỷ trước. Hỗ trợ của Hà Lan đã góp phần tích cực giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới và đóng góp cho bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nhất là trước thách thức của biến đổi khí hậu và tác động của xung đột chính trị thế giới hiện nay.
Chính phủ Việt Nam và Hà Lan đã ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (năm 2014 tại Hà Lan), là khung chiến lược hợp tác lâu dài giữa hai nước và là nền tảng để các bên hợp tác phát triển.
Ngoài ra, hai nước cũng đã ký Bản ghi nhớ về quản lý an toàn thực phẩm (2017 tại Hà Lan) và Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL (năm 2019 tại Việt Nam). Những văn kiện này đã làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông tin tới Đoàn công tác của Việt Nam, Giám đốc WHC Puck van Holsteijn cho rằng, Việt Nam có 2 trung tâm nông nghiệp lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, 2 vùng sản xuất nông nghiệp này đang sử dụng các công nghệ khác nhau trong sản xuất.
WHC có thể cung cấp giống, các công nghệ để nông nghiệp Việt Nam có thể phát triển với năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, một số doanh nghiệp Hà Lan đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này; tin tưởng trong thời gian tới, Trung tâm và các cơ quan, đơn vị của Việt Nam sẽ hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn trong cả quy hoạch, phát triển nông nghiệp thông minh...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay Việt Nam đang nỗ lực trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thế giới, đề nghị Hà Lan đồng hành, hỗ trợ trong quá trình đó.
Về phần mình, đại diện Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan cũng cho rằng hai nước còn nhiều dư địa để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác và phía Hà Lan mong muốn, sẵn sàng là đối tác đồng sáng tạo với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong vòng 50 năm qua, tương ứng với thời gian hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan đã trải qua 3 giai đoạn phát triển: Nông nghiệp và các nghề thủ công; công nghiệp gắn với đô thị hóa; giai đoạn hiện nay là đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh. Nhưng trong cả 3 giai đoạn này, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, là trụ đỡ, với định hướng "Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh", điều này tương đồng với định hướng Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, Hà Lan là một trong những nước chế biến và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và Việt Nam cần phải học tập. Hai nước có thể trao đổi kinh nghiệm, hợp tác theo hướng bổ sung cho nhau, tổ chức các diễn đàn, xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng. Hà Lan giúp Việt Nam về giống cây trồng, công nghệ chế biến, kinh nghiệm, thị trường, thông tin về các sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng thế giới, còn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nguyên liệu rất phong phú cho Hà Lan.
Thủ tướng giao các Bộ trưởng triển khai các công việc, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể. Hoạt động hợp tác này có nền tảng quan trọng là quan hệ chính trị giữa hai nước và kinh nghiệm hợp tác trong thời gian qua, Thủ tướng mong muốn sẽ được nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới, thực chất và hiệu quả hơn.
Theo Chinhphu.vn
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi