Hà Nội thêm 8 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023
Công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Trong danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lần này, huyện Sóc Sơn là địa phương có số lượng nhiều nhất với 6 xã, gồm: Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh, Trung Giã, Quang Tiến, và Xuân Giang.
Trong đó, xã Mai Đình và xã Phú Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong hai lĩnh vực y tế và văn hoá. Xã Phú Cường đạt đạt chuẩn trong hai lĩnh vực sản xuất và văn hoá. Xã Quang Tiến đạt chuẩn trong ba lĩnh vực: Sản xuất, văn hoá và y tế. Xã Xuân Giang đạt chuẩn trong hai lĩnh vực sản xuất và y tế.
Huyện Thạch Thất có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm xã Đồng Trúc và xã Hạ Bằng. Cụ thể, xã Đồng Trúc được công nhận đạt chuẩn trong ba lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá; xã Hạ Bằng đạt chuẩn trong hai lĩnh vực gồm y tế, giáo dục và đào tạo.
Các xã sẽ được tặng Bằng công nhận danh hiệu và Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của các địa phương và cũng là động lực để các xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực đã đạt được. Đồng thời, các xã cần phấn đấu để đạt chuẩn trong các lĩnh vực còn lại, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện theo quy định.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho rằng, thành phố luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, các địa phương dù đã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì quyền địa phương vẫn phải sát sao, huy động nguồn lực và sự ủng hộ của người dân để tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nhất là về môi trường, sản xuất, hạ tầng nông thôn, nước sạch, cơ sở vật chất trường học…
Nỗ lực cán đích, hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Tính đến cuối quý II/2024, TP. Hà Nội có thêm 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 48 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 186 xã và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 544 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 6 tháng đầu năm 2024, đã huy động được 19.410,7 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 36,3% là ngân sách thành phố với 7.045,8 tỷ đồng; chiếm 59,8% là ngân sách huyện với 11.613,4 tỷ đồng; chiếm 1,9% là ngân sách xã với 360,6 tỷ đồng và 2% vốn huy động ngoài với 390,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, có 10 quận nội thành Hà Nội hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 867 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phú Xuyên 30,7 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ huyện Phú Xuyên 5,5 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2024, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 100.335/165.000 lao động, đạt 60,8% kế hoạch năm. Ước tính trong nửa đầu năm, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Đến nay, Hà Nội còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó khu vực nông thôn còn 676 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,05% so với dân cư khu vực nông thôn (7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo: thị xã Sơn Tây, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì).
Hà Nội hiện đã có hơn 3.000 sản phẩm OCOP, dẫn đầu cả nước. Kết quả này có được nhờ sự tham gia tích cực của các quận, huyện trên địa bàn thành phố với nhiều sản phẩm đặc sắc đến từ các làng nghề, phố nghề trên toàn thành phố. Những sản phẩm này khi được quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế…
Đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao còn gặp khó khăn với tiêu chí trường học. Nguyên nhân do hầu hết các huyện đang trong quá trình triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư nâng cấp, cải tạo trường để công nhận lại hoặc nâng chuẩn quốc gia. Trong khi đó, yêu cầu đối với huyện nông thôn nâng cao là toàn bộ các trường THPT trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó, có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ngoài ra, việc triển khai đấu nối hệ thống cấp nước sạch tập trung còn chậm. 6 tháng đầu năm 2024, mới có thêm 11 xã so với năm 2023; còn 113 xã chưa được cấp nước sạch tập trung. Về kinh tế nông nghiệp, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu. Tình hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề còn hạn chế, nguy cơ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Du lịch làng nghề phát triển chậm, việc đầu tư cho làng nghề chưa đồng bộ, những điểm du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn còn hạn chế.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Hà Nội phấn đấu trong tháng 7/2024, có 4 huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; cuối năm 2024 có thêm 3 huyện (Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhiệm vụ chung cả năm, TP. Hà Nội phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 7 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.