Công tác Hội

Hội nhận thầu ruộng hoang canh tác đem lại hiệu quả cao

07:05 16/10/2021 GMT+7

Để tránh tình trạng đất bỏ hoang hóa lâu năm, hoặc trồng cây không mang lại giá trị kinh tế như mong muốn, Hội Nông dân Thanh Chương (Nghệ An) đã mạnh dạn nhận thầu khoán những diện tích bị bỏ hoang và định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Vùng đất bãi xã Thanh Tiên được Hội ND xã đứng ra nhận thầu trồng bí xanh cho năng suất hơn 3 tấn bí/sào.

Định hướng chuyển đổi cây trồng cho năng suất cao

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, vừa ứng phó hiệu quả với quá trình biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, lại góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Điển hình trong cách làm này là vùng đất Cồn Ba, xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương). Vị trí trên thuộc quỹ đất 5% của địa phương, vốn dĩ một thời gian dài bị bỏ bẵng do các mô hình ứng dụng trước đó (trồng sắn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi) không phát huy hiệu quả kinh tế.

Để “đánh thức” tiềm năng của đất, năm 2018 Hội Nông dân đã họp các hộ gia đình, qua đó thống nhất phương án chuyển đổi cây trồng. Từ sự đồng lòng có được, Hội đã xây dựng kế hoạch, tham mưu thường trực Đảng ủy để tiến tới triển khai. Khi tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ không thu tiền đất trong 2 năm đầu, định mức 300.000 đồng/sào. Phía Hội còn hỗ trợ 50% tiền giống, cải tạo mặt bằng, làm mương thoát nước, khoan hệ thống giếng tưới; Công ty phân bón Phú Sinh hỗ trợ 2,5 tấn phân bón…

Qua ghi nhận thực tế, tổng diện tích chuyển đổi khoảng 1,5ha với 7 hộ tham gia. Các gia đình chủ yếu trồng táo Đài Loan, nhờ ưu thế năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Hiện tại bình quân mỗi hộ gia đình trồng táo với quy mô 4 sào, tương đương 250 gốc, thu hoạch khoảng 3 tạ/sào với mức giá dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg.

Tương tự là mô hình tại xã Thanh Tiên, vốn là vùng có nhiều vị trí thấp trũng, trước đây bà con không mặn mà canh tác, phần lớn cơ bản đều bỏ hoang. Trong 2 năm trở lại đây, dưới sự định hướng sâu sát, cầm tay chỉ việc của cán bộ Hội Nông dân, mô hình kinh tế kết hợp “sen, ốc và cá” đã phát huy giá trị.

Từ những thành công bước đầu, trong thời gian tới Hội ND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình tích tụ những phần đất khác ở Thanh Tiên dưới hình thức thuê lại, hoặc vận động những gia đình có tư liệu sản xuất trực tiếp tham gia bằng cách chuyển đổi trồng ngô, sắn sang trồng bí xanh nhằm nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Xuân Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) chia sẻ: Nhân lực trong sản xuất có phần thiếu hụt, hiệu quả ruộng đồng mang lại không quá cao khiến một bộ phận nông dân không chú tâm canh tác. Để giải bài toán khó, huyện có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp trên từng loại đất nhằm hạn chế diện tích đất bỏ hoang, tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Song song với đó đã nhân rộng, xây dựng hiệu quả vùng chuyên canh cây hàng hóa, qua đó phát huy được giá trị cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp nói chung, tạo dựng được niềm tin để nhà nông yên tâm gắn bó với nghề.

Sau khi thu hoạch lúa vụ Xuân xong gia đình chị Nguyễn Thị Bình (xã Thanh Liên – Thanh Chương) đã chuyển sang trồng cây dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế lại cao.

Đánh thức đất hoang

Từ định hướng tuyên truyền sâu rộng của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp, kết hợp với những chính sách kích cầu phù hợp, thực trạng “bỏ hoang” đất sản xuất về cơ bản đã được khắc phục.

Trên thực tế, Hội Nông dân ở huyện Thanh Chương đã chủ động nhận thầu nhiều diện tích đất hoang để canh tác, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng. Rõ nhất là vùng đất thường xuyên ngập lụt ở xã Thanh Xuân, vụ Xuân năm 2021 đã thực hiện trồng lúa hữu cơ trên diện tích 2ha, là đất 5% ở xứ Đồng Kiện. Hội đã thu hoạch được 13 tấn sản phẩm, bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá 6 triệu đồng/tấn.

Vụ Hè Thu sản xuất nhiều hơn vì thời điểm này người dân ái ngại tình trạng ngập úng. Trước tình hình đó, Hội đã đứng ra “mượn” 5ha đất để không, đồng thời vận động người dân cùng tham gia mô hình trên xứ Cửa Trùa, Đồng Nẩy, Đồng Cồn Ràn…

“Thời gian tới, Hội sẽ nhận thầu đất của dân ở những vùng bỏ hoang để tiếp tục trồng những giống cây phù hợp nhằm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở định hướng của Hội Nông dân các cấp. 2 năm đầu nhận thầu đất 5% xã hỗ trợ không thu phí, từ năm thứ 3 trở đi bắt đầu thu phí 300.000 đồng/sào/năm. Ban đầu để có nguồn vốn sản xuất anh em trong Ban Thường vụ góp tiền vào cùng sản xuất, cùng chung tay làm, sau khi trừ chi phí còn dư thì sung vào nguồn Quỹ Hội để có thêm kinh phí cho mọi hoạt động của hội”- ông Nguyễn Bá Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Mỹ cho biết.

Tính đến thời điểm hiện nay, Hội ND huyện đã cải tạo được một số vùng đất thấp trũng hay những những vùng đất hoang hóa, cằn cỗi có giá trị kinh tế trong nông nghiệp như: Trồng bí xanh ở các xã Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Hòa; Trồng cây ăn quả ở Thanh Mỹ; Trồng lúa hữu cơ ở Thanh Xuân… Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện căn cứ trên điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng cụ thể để trồng những loại cây, con phù hợp. Đây chính là cách tuyên truyền, vận động người dân không bỏ hoang diện tích, biết làm kinh tế trên chính đồng ruộng của mình một cách hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Bùi Ánh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác