Công tác Hội

Hội ND An Giang: Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường

Ái Vân - 11:16 31/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ ngày 25-30/12/2021 Ban quản lý Dự án lúa, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức 4 lớp tập huấn tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ cho 80 nông dân tại các xã tham dự án: Hòa An, An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới; Tây Phú, Vọng Đông, huyện Thoại Sơn.

Đây là hoạt động được Ban Quản lý Dự án lúa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt, mục đích của dự án nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa. Trong đó tập trung vào ba kỹ thuật chính bao gồm giảm phân hóa học, tưới ướt, khô xen kẽ, xử lý rơm rạ. Dự án nhằm nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tập huấn tại xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn. Ảnh: ĐVCC
Tập huấn tại xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn. Ảnh: ĐVCC
 

Trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Ban Quản lý Dự án lúa, Hội ND An Giang tập huấn về tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ nhằm giới thiệu về dự án. Nội dung tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường: Kỹ thuật ướt, khô xen kẽ; nhu cầu nước của cây lúa, tác hại của việc tưới nước không đúng cách, nguyên nhân gây nên nước bị thất thoát trong ruộng lúa và các giải pháp, nguyên tắc tưới nước cho lúa thân thiện môi trường, các phương pháp tưới nước cho lúa thân thiện môi trường, hướng dẫn sử dụng ống đo mực nước.

Hội tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện cam kết tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đồng thời tại các xã tham gia dự án, mỗi xã chọn và xây dựng một mô hình với diện tích 1.000m2 trình diễn làm điểm về kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất lúa để hạn chế chồi vô hiệu, hạn chế lá ủ ở giai đoạn sau, cây lúa được thông thoáng ít bị sâu bệnh gây hại. Giúp cây lúa phát triển tốt bộ rể, tránh đổ ngã ở giai đoạn sau; tiêu các chất độc đã sản sinh trong môi trường yếm khí do đất bị ngập nước lâu ngày và giảm chi phí bơm nước.

Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Vân Nguyễn
Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh ĐVCC

Ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội ND An Giang cho biết: Dự án lúa sẽ góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân trong canh tác lúa trước đây nhằm hướng tới canh tác lúa thân thiện với môi trường, giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới Ban Quản lý Dự án lúa, Hội ND An Giang phối hợp cùng chuyên gia và cán bộ kỹ thuật sẽ hỗ trợ, tư vấn 4 mô hình triển khai trên địa bàn 4 xã tham gia dự án để hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ, cuối vụ sẽ tổng kết về hiệu quả của mô hình so với các mô hình đối chứng và tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác