Công tác Hội

Hội Nông dân Hải Dương: Huy động trí tuệ tập thể góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bùi Hải Hưng - 07:24 25/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 02 ngày 22-23/02/2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân (HND) tỉnh Hải Dương tổ chức 02 hội nghị tại các xã Thanh Quang (huyện Nam Sách), Liên Hồng (huyện Gia Lộc) lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên nông dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua hội nghị, đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến sát thực tế đối Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HND tỉnh; ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh Nguyễn Đình Kiểm

Chủ trì hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Tâm, Ủy viên BCH Trung ương HND Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh; ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh. Tham dự 02 hội nghị còn có các đ/c Ủy viên Ban Thường vụ, cán bộ, chuyên viên HND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ HND huyện Nam Sách, thành phố Chí Linh, huyện Gia Lộc, thành phố Hải Dương; Lãnh đạo HND các xã (phường, thị trấn) và 200 cán bộ chi hội, hội viên nông dân của huyện Nam Sách, thành phố Chí Linh, Gia Lộc và thành phố Hải Dương.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: “Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và các quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch và phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Trên cơ sở đó, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Hội, ngày 17/02/2023 Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 221 về tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh để tham gia xây dựng chính sách đất đai có hiệu quả, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời, hướng đến đảm bảo ngày một tốt hơn sự công bằng và hài hòa lợi ích trong quản lý và sử dụng đất; giải quyết những bất cập trong chính sách quản lý đất đai”.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh Nguyễn Đình Kiểm

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và khẳng định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế hiện nay. Tổng số đã có 19 ý kiến tham gia, nội dung tập trung chủ yếu vào các vấn đề như:

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đề nghị Luật quy định rõ thời gian giao đất, cho thuê đất; đối với những trường hợp giao đất, cho thuê đất cần quy định rõ trong thời gian bao lâu thì phải triển khai thực hiện nếu không sẽ phải thu hồi, tránh tình trạng để không gây lãng phí.

Về người sử dụng đất, hoàn toàn ủng hộ dự thảo Luật lần này bỏ khái niệm "hộ gia đình", tuy nhiên cần xây dựng lại khái niệm hộ gia đình sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở làm rõ phạm vi và chủ thể có quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên, thuộc nhiều thế hệ, có nhiều mối quan hệ đan xen như: Quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng… để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng đất là con dâu, là vợ, là cháu gái khi ở cùng với gia đình mà đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Tại Điều 68 về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện: việc công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã và lấy thêm ý kiến của những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tại Điều 73 về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: khi công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã cần tuyên truyền về thời gian và thời hạn đến người dân qua loa truyền thanh để họ chủ động tiếp cận và nắm được nội dung. Tại Điều 74 về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Quy hoạch, kế hoạch liên quan đến người dân cần có thời gian thực hiện cụ thể để tránh quy hoạch treo. Nhiều người dân rất khổ khi sống tạm bợ mà không được xây dựng, sửa chữa nhà của mình vì vướng quy hoạch. Cần quy định rõ và có thông báo cụ thể đến người dân trong bao lâu không triển khai thì phải hủy bỏ để có quyết định mới.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại xã Thanh Quang (huyện Nam Sách). Ảnh Nguyễn Đình Kiểm

Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: Thu hồi đất để thực hiện các Dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, bảo trợ xã hội; Các Dự án cần thu hút đầu tư địa phương; Các Dự án du lịch, du lịch sinh thái có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định…

Về các Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Đồng ý nguyên tắc "bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" được đề cập tại Điều 90 của dự thảo Luật. Tuy nhiên cần được qui định chi tiết, cụ thể và đo lường được. Liên quan đến quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về “Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng tiền, bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất”; cần quy định cụ thể, lợi ích vật chất cụ thể là gì.

Về việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất, đề nghị trong quá trình thực hiện để các thỏa thuận áp dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng và chính xác, các thỏa thuận cần được cụ thể hóa, chi tiết trong các Nghị quyết, Thông tư.

Về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất: Đồng ý như Điều 154 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm. Quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên. Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá. Để thống nhất thực hiện đạt hiệu quả đối với các địa phương do vậy Chính phủ quy định phương pháp định giá đất; quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Đồng ý theo hướng đề xuất của dự thảo tại Điều 225 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp. Đề nghị khi Uỷ ban Nhân dân các cấp không cung cấp được hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Toà án Nhân dân thì phải nêu rõ lý do...

Các ý kiến phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều rất tâm huyết và trách nhiệm, sát thực tiễn cuộc sống nhằm nói lên tiếng nói của cán bộ, hội viên nông dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để hoàn thiện Luật thật sự đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác