Hợp tác xã - nhân tố chính trong sản xuất và xây dựng các sản phẩm OCOP
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn
Hiện nay Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vai trò quan trọng, là nhân tố chính trong sản xuất và xây dựng nên các sản phẩm OCOP, vai trò đó được thể hiện: (1) Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, (2) Thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, (3) Đầu mối tiếp nhận, chuyển giao chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác, nhằm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, phù hợp với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đồng thời có tác động tích cực đến lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng.
Thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy, liên kết sản xuất theo chuỗi của các HTX đang là hướng đi đúng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, hạt nhân là các HTX thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao đưa Bắc Giang trở lên vị trí thứ 2 Khu vực miền núi phía Bắc (sau Hà Giang) và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.
Có được thành quả trên là do có sự đóng góp không nhỏ của các HTX; qua thống kê mỗi làng, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, tiềm năng để phát triển thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Một số sản phẩm (Vải thiều Lục Ngạn, rau chế biến, rượu Làng Vân, bánh đa Kế, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ, cam ngọt, cam lòng vàng Lục Ngạn, Bưởi Lục Ngạn, chè xanh Bản Ven…) đã được người tiêu dùng trong nước và các nước trên thế giới biết đến.
OCOP - bệ phóng của nông nghiệp
Trước kia, làm sản phẩm OCOP phần lớn là các hộ gia đình, nhưng hiện nay trên 80% đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, HTX. Đến hết năm 2021, trong 155 sản phẩm đạt OCOP của tỉnh Bắc Giang thì đã có 127/155 sản phẩm của 86 HTX/109 chủ thể (tiêu biểu như: HTX Rau sạch Yên Dũng với 03 sản phẩm đạt OCOP; HTX Nông nghiệp SX và KDDV Tổng hợp Hồng Xuân Lục Ngạn với 03 sản phẩm đạt OCOP; HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế với 02 sản phẩm đạt OCOP...). Điều này đã chứng minh cho vai trò chủ đạo của loại hình HTX trong Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy các HTX trên địa bàn tỉnh là nhân tố chính, là động lực, là đòn bẩy để thực hiện chương trình OCOP và phù hợp với mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.
Từ việc xác định được vai trò quan trọng của các THT, HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian qua Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình THT, HTX như: Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của các THT, HTX; phối hợp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn về các điều kiện cần thiết, hồ sơ, thủ tục cho việc thành lập THT, HTX...
Đặc biệt để có cơ chế cho các THT, HTX phát triển bền vững tích cực tham gia vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt 02 Đề án: Đề án“Xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”.
Qua việc triển khai, thực hiện các Đề án trên, hàng năm Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được từ 40 - 50 THT mới và 20 - 25 HTX mới nâng tổng số THT, HTX do Hội Nông dân thành lập hiện là 260 THT và 80 HTX. Bên cạnh việc nâng cao về số lượng, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cũng quan tâm hỗ trợ các THT, HTX nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, hỗ trợ tư vấn phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm... Từ đó các THT, HTX trong tỉnh Bắc Giang đã không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực để mở rộng phát triển sản xuất, hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó góp phần tiêu thụ phần lớn các sản phẩm nông nghiệp trong đó có các sản phẩm OCOP.
Mặc dù vai trò của HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã dần được khẳng định, nhưng trên thực tế, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy tăng về số lượng, chất lượng nhưng quy mô hoạt động còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số lượng các sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng còn thiếu tính cộng đồng, tính tự nguyện, chủ yếu dựa vào sản phẩm có sẵn, khả năng thương mại yếu; chỉ tập trung vào sản phẩm mà thiếu sự hỗ trợ nâng cao năng lực, đặc biệt năng lực thương mại. Trình độ quản lý điều hành của một số HTX còn yếu, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể ở một số ít đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số HTX còn hạn chế.
Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của THT, HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh Bắc Giang đến hết năm 2022 sẽ có thêm từ 25 đến 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho từ 5 đến 10 sản phẩm; xây dựng và phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, đồng thời phấn đấu có tối thiểu một sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh. Trên cơ sở đó Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành có liên quan tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia, thành lập các THT, HTX. Tăng cường công tác tập huấn để nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các THT, HTX. Chú trọng phát triển các mô hình THT, HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP. Khuyến khích các THT, HTX tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường...
Cùng với đó, bản thân các THT, HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng cao giá trị gia tăng.
Từ kinh nghiệm liên kết sản xuất và xây dựng các sản phẩm OCOP của các HTX giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian tới Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Đề án“Xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; phấn đấu mỗi năm thành lập mới 50 THT, 10 HTX nông nghiệp. Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”, phấn đấu xây dựng 4 mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, 40 sản phẩm OCOP mới từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng 80 sản phẩm OCOP đã được công nhận, đưa 200 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử giao dịch và bán hàng.