
Hương Sơn đêm trăng vẳng tiếng thơ
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền (*)
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Hương Tích qua bài thơ “Hương Sơn phong cảnh” của Chu Mạnh Trinh xuất hiện trước mắt chúng ta với đầy đủ âm thanh, hình ảnh, sự giao hòa giữa đời và đạo như một cuốn phim tuyệt đẹp với tốc độ quay thật chậm. Trải qua hàng ngàn năm, đã có vô số bài thơ, phú, từ, những áng thơ trác tuyệt ngợi ca vẻ đẹp kỳ vĩ của đất Phật chùa Hương. Cảnh đẹp của Hương Sơn đã làm xao xuyến tâm hồn của bao tao nhân, mặc khách và cả những bậc chân tu đã dâng hiến trọn đời cho hoằng dương Phật pháp.

Một trong những bậc chân tu cũng đã để lại một bài thơ tồn tại mãi cùng Hương Sơn là Đệ thập nhất Tổ - Hòa thượng Thích Viên Thành với bài thơ Tán thán đức Quan Âm. Thông qua một hình thức văn học nhưng bài thơ lại truyền đạt một tư tưởng Thiền rõ ràng, sâu sắc, một sự dấn thân, nhập thế, thương xót chúng sinh của Hòa thượng Thích Viên Thành.
Trên cùng chư Phật chung từ lực
Dưới thuận quần sinh hợp bản nguyên
Thành tựu ứng thân vào cõi nước
Hiện bày diệu thể tiếp cơ duyên
Mười phương các ngả ai cầu đến
Vớt cả đưa lên Bát Nhã thuyền.
Tư tưởng nhập thế, vui đạo giữa đời (cư trần lạc đạo – tạm dịch) là một trong những nét đặc sắc của đạo Phật. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết bài phú Cư trần lạc đạo để nêu bật tư tưởng của Phật Hoàng, “Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”, tạm dịch là “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Nếu tu tập mà mất đi cái “tâm” nghĩa là cảm nhận được “hỉ, nộ, ái, ố, ai, ưu, lạc; tạm dịch buồn vui, yêu ghét, sầu bi, khổ sướng” thì đó không phải là Thiền, tu nữa mà là một cỗ máy vô tâm. Nhưng ở một lớp cắt nghĩa sâu hơn thì có thể hiểu, bậc chân tu khi đối mặt trước trần cảnh, cần cảm nhận được để “vớt cả đưa lên Bát Nhã thuyền” nhưng tâm lại phải bất động, không xao động, không bị nhiễm, không lay chuyển được sự rèn luyện, tiến tu của mình.

Sự bình thản, “vô Tâm” đó lại một lần nữa hiển hiện trong bài thơ Tìm Tâm của thầy Trụ Trì Sơn Môn Hương Tích, Thượng tọa Thích Minh Hiền
Ngang lưng đeo trống đối tri âm
Duỗi thẳng hai tay đánh trống tâm
Tập tầm tìm tâm, tâm tất tập
Tìm tâm, tâm tập, tập tìm tâm
Một bài thơ như một bài kệ với những lớp trầm tích Thiền dầy dặn, âm vang tiếng trống với cách gieo vần cực khó, vần “âm”. Sự cầu kỳ trong gieo vần lại khiến người thưởng thức như đang nghe tiếng trống âm vang, thật xảo diệu và tinh tế. Liệu có thực là người đang đeo trống tìm tri âm hay trống đó là trống trong tâm? Có lẽ tùy duyên và cách hiểu của mỗi người vì những vần thơ càng đọc kỹ lại càng phát hiện những tầng lớp ý nghĩa chất chồng trong đó.
Thi đàn Hương Sơn đêm Nguyên tiêu
Như một lời nguyện ước khi mùa Xuân đến, đêm thơ Nguyên tiêu của Thi đàn Hương sơn Ất Tỵ năm nay lại trở về đúng vào thời khắc Rằm tháng Giêng -Tết Thượng nguyên của dân tộc ta. Những tao nhân mặc khách lại tìm về bên những tri âm, cùng nhau ngâm tụng, bình phán những áng thơ trác tuyệt tả cảnh đẹp chùa Hương, những vần thơ vừa hay lại vừa chuyển tải tư tưởng Thiền của các bậc chân tu.

Đêm Nguyên tiêu năm nay, Thi đàn Hương Sơn được đón Chủ soái của Thi đàn là Nhà thơ Vũ Quần Phương cùng các NSND Thúy Mùi, NSND Hà Vi, NSND Tố Uyên, NSND Thanh Ngoan, NSND đàn bầu Hoàng Anh Tú, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thúy Hòa, nghệ sĩ sáo Nguyễn Thắng, nghệ sĩ thập lục Phạm Thu An, nghệ nhân dân gian đàn đáy Văn Hợi, nghệ nhân trống chầu Quyết Thắng, và đạo diễn NSND Việt Hương - Pháp danh Diệu Nhã là đệ tử của thượng tọa Thích Minh Hiền, đêm thơ cũng vinh hạnh có sự tham dự của nhà thơ Sơn Nam, Trụ Trì Sơn Môn Hương Tích, Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Trước thềm Tam bảo sơn môn Hương Tích, hơn 15 năm qua Thi đàn Hương Sơn và khán thính giả cùng Phật tử thiện tín muôn phương lại được ân hưởng những áng thơ trác tuyệt ngợi ca vẻ đẹp kỳ vĩ của đất Phật chùa Hương.

Và đêm nay, nhờ công đức của Thượng tọa trụ trì cùng chư Tăng Tùng Lâm Hương Tích, tinh thần thánh thiện ấy lại trở về để tiếp tục cho mỗi chúng ta đều nhận được tình đời nghĩa Đạo tại chốn Thánh địa của Bồ Tát Quán Thế Âm.
(*) Trích bài phú Cư trần lạc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Một số hình ảnh tại Đêm thơ Nguyên Tiêu chùa Hương xuân Ất Tỵ 2025:
