Kon Tum khắc phục tình trạng thiếu nhân công vụ thu hoạch cà phê
Người trồng cà phê ở tỉnh Kon Tum đang bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch niên vụ 2022-2023. Giống như những năm trước, việc thiếu nhân công đang lặp lại ở huyện Đăk Hà - vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh. Trước thực tế này, cũng đã có những giải pháp từ người dân và chính quyền địa phương.
Trong lúc nhiều hộ dân ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vẫn đang khó thuê nhân công thu hái cà phê, gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, nhà ở tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Hà đã gần thu hoạch xong 3 ha.
Cho rằng không nên ‘nước đến chân mới nhảy’ trong việc lo nhân công thu hái, anh Tuấn đã có sự chuẩn bị về lâu dài. Từ nhiều năm qua, anh Tuấn đã duy trì rất tốt mối quan hệ với nhóm 11 lao động ở thành phố Kon Tum, nên cứ “đến hẹn lại lên”, nhóm này lại tới giúp gia đình ổn thỏa vụ thu hoạch cà phê.
“Nếu cứ ở nhà chờ đợi người hái cà phê thuê đến mình sẽ không chủ động được, nên có mối quen trước mình thích hái lúc nào sẽ gọi họ lên hái cho mình. Có mối nhân công quen trước các gia đình sẽ chủ động hơn nhiều trong việc thu hoạch”, anh Tuấn chia sẻ.
Là vùng sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà có hơn 15.000 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Để thu hoạch hết diện tích này, huyện cần trên 15.000 lao động. Cùng với giải pháp thu hoạch rải vụ từ trung tuần tháng 10 đến cuối tháng 12, ông Nguyễn Hoài Vũ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cho biết, huyện cũng thực hiện việc điều tiết lao động giữa các vùng và đảm bảo được khoảng 11.000 lao động thu hái cà phê.
“Huyện đã điều tiết lao động trong nội bộ huyện từ những xã ít cà phê, xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để thu hoạch ở những vùng chuyên canh cà phê diện tích lớn. Qua quá trình cân đối đã đáp ứng được khoảng 11.000 lao động, còn lại là lực lượng lao động ở ngoài huyện và ở ngoài tỉnh”, ông Vũ cho biết.
Đối với hơn 4.000 lao động còn thiếu cho vụ thu hoạch cà phê năm nay, chính quyền huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cùng với khuyến khích người dân tìm kiếm nguồn lao động ngoài tỉnh, cũng như đã chủ động liên hệ với một số đơn vị Công an, Quân đội để được hỗ trợ về nhân lực giúp người dân, doanh nghiệp thu hoạch cà phê đảm bảo thời gian mùa vụ.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi