Lâm Đồng: Tổ chức sản xuất và thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao
Hiện nay, sau khi sát nhập tỉnh Lâm Đồng còn 106 xã đạt 100% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND tỉnh giao; có 41 xã Nông thôn mới nâng cao, đạt 87,23% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND tỉnh; có 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 94,11% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND tỉnh; có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc; đạt 58,33% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND tỉnh. Nhìn bức tranh một cách tổng thể 03 lĩnh vực được đánh giá là có chuyển biến rõ nét và nổi bật đó là:
Thứ nhất là có quy hoạch chung xây dựng huyện, xã được công bố đảm bảo Cơ sở hạ tầng nông thôn được phát triển đồng bộ hoàn thiện tạo diện mạo mới và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, 100% các xã đạt các tiêu chí về hạ tầng kinh tế xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, văn hoá, thương mại, truyền thông, nhà ở với trên 6.500 đường giao thông nông thôn đã được cứng hoá, đạt 90%, tăng 46,2%.
Trong đó, đường giao thông nội đồng trên 1.100 km, đạt 87%, tăng 56%. Có 440 công trình thủy lợi và nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 139.00ha, tăng 21.000ha. Có 636 trường học, tăng 86 trường, trong đó có 393 trường đạt chuẩn quốc gia. Có 111 nhà văn hoá xã đạt chuẩn, tăng 60 nhà văn hoá đáp ứng, phục vụ đầy đủ nhu cầu, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Thứ hai là Tổ chức sản xuất và thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, các chủ trương chính sách trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương theo hướng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Giá trị sản xuất bình quân đạt 267 triệu đồng/ha/năm, tăng 151 triệu đồng/ha/năm.
Năng suất lao động trong nông nghiệp đạt 88,5 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2011; nâng cao thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với năm 2011; giảm mức chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị nông thôn từ 1,64 lần vào năm 2011 xuống còn 1,39 lần trong năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 7.433 hộ, chiếm 2,07% hộ dân toàn tỉnh, giảm 9,84% so với năm 2011.
Thứ ba là Văn hoá – Xã hội – Môi trường không ngừng thay đổi: Các cơ sở giáo dục và y tế ở nông thôn được nâng cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ; Giáo dục được đầu tư nâng cấp, cải thiện, giúp trẻ em học tập trong môi trường tốt hơn và người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư sáng - xanh - sạch - đẹp; Các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và gắn kết cộng đồng.
Qua đó có thể thấy, Chương trình Nông thôn mới đã giúp cho bộ mặt nông thôn Lâm Đồng ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.