Học hỏi làm giàu

Làm giàu từ nấm và mong chia sẻ đến nhiều người

Diễm Chi - 10:44 29/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ ưu điểm là thực phẩm sạch, cho năng suất cao và nhu cầu thị trường khá nên nấm bào ngư xám rất dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng. Đó chính là lý do để ông Bùi Văn Tịnh, xứ cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) đầu tư trang trại nấm bào ngư xám quy mô gần 1.000m2, sản lượng 300.000 phôi nấm mang về doanh thu mỗi năm khoảng 600 triệu đồng.

Mô hình trồng nấm bào ngư xám không chỉ giúp gia đình ông Tịnh tăng thu nhập, mà còn mang lại cơ hội cho nhiều người dân ở xã Tấn Mỹ phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn vốn khó khăn đang trên đường xây dựng nông thôn mới.  

Ông Bùi Văn Tịnh trong khu nhà nuôi nấm của gia đình.

Tâm huyết với nấm bào ngư xám 

Ông Tịnh cho biết: Trước đây, khoảng thời gian học tập tại TP. HCM ông có cơ hội tiếp cận và học tập mô hình trang trại trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả cao, thích hợp với vùng thổ nhưỡng cù lao Tấn Mỹ. Được các chuyên gia xuống tận nơi khảo sát, tư vấn nên ông Tịnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng cây thuốc chữa bệnh không hiệu quả sang mô hình trang trại trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 3 năm nay, với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, từ mô hình trồng nấm bào ngư xám của ông Tịnh đã hỗ trợ cho người dân địa phương học tập, tiếp cận triển khai mô hình để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nấm bào ngư xám dễ trồng, dễ tiêu thụ nên ông Tịnh mạnh dạn đầu tư vào trồng nấm bào ngư xám và đến nay đã cho thu nhập ổn định. Thời gian đầu, ông Tịnh triển khai mô hình trồng nấm này gặp rất nhiều khó khăn do chưa tìm được nhà cung cấp phôi giống tốt nên nấm có năng suất thấp, tuổi thọ nấm không dài, khâu thu hoạch và bảo quản sản phẩm không đạt yêu cầu. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo huyện Chợ Mới, xã Tấn Mỹ nên ông Tịnh dần dần ổn định sản xuất và phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám. Với kinh nghiệm hiện có, thời gian tới, ông sẽ mở rộng thêm quy mô để nâng cao sản lượng cung ứng cho thị trường.

Mỗi ngày trang trại nấm bào ngư của ông Tịnh sản xuất từ 100 - 120kg nấm, chỉ tính riêng doanh thu năm 2020 đạt khoảng 400 triệu đồng. Năm nay, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trang trại nấm của ông Tịnh vẫn tăng doanh thu ước đạt khoảng 600 triệu đồng. Trung bình, sau khi trừ chi phí sản xuất thì gia đình ông thu lợi nhuận từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng. 

“Trồng nấm bào ngư nói riêng và một số loại nấm khác nói chung chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật trồng đơn giản, nhẹ công chăm sóc mà tiềm năng tiêu thụ rất cao, giá cả ổn định. Do vậy, tôi rất nhiệt tình giúp đỡ hơn 20 hộ nông dân trong xã Tấn Mỹ về phôi nấm và bao tiêu sản phẩm cho họ, đặc biệt là hướng dẫn họ nuôi trồng nấm sạch, trồng nấm tại nhà để tăng thu nhập. Trong thời gian tới, tôi muốn phát triển trang trại lớn hơn nữa để nhiều người cùng làm, cải thiện cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Tịnh chia sẻ.

Đưa chúng tôi đi thăm quan trang trại nấm, ông Tịnh cho biết, quy trình sản xuất nấm ở trang trại của ông là khép kín, nấm sống hoàn toàn nhờ nước, không dùng bất cứ loại phân, thuốc hay chất kích thích nào. Quy trình của 1 phôi nấm kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Mỗi bịch phôi trung bình thu từ 3 đến 4 lạng nấm tươi. Theo ông Tịnh chia sẻ kinh nghiệm, nấm bào ngư xám thường mắc bệnh mốc đen, mốc xanh, mốc cam, những bệnh gây hại phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai nên những phôi nào đã bị bệnh thì phải loại bỏ ngay. 

Chia sẻ về lợi nhuận và sự khác biệt giữa sản xuất truyền thống và sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, ông Tịnh cho biết: Khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm sẽ cho hiệu quả thu hoạch cao hơn, lượng nước vừa đủ thời gian sẽ cho chất lượng nấm đạt độ giòn và tươi lâu hơn, tiết kiệm được công lao động. Lợi nhuận thu gấp đôi so với dùng biện pháp sản xuất truyền thống.

Theo ông Bùi Văn Tịnh, để nấm đạt tiêu chuẩn thì khâu chuẩn bị nuôi nấm đặc biệt quan trọng.

Mô hình kinh tế làm thay đổi diện mạo nông thôn

Hiện nay, trang trại sản xuất nấm bào ngư xám của ông Tịnh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng tốt phương pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong tưới tiêu, dùng hệ thống nước lọc sạch và đạt chuẩn để tưới nên sản phẩm nấm khi ra thị trường tiêu thụ được đánh giá đạt chất lượng dinh dưỡng rất cao, giòn, tươi, ngọt. Do đó, trại nấm của ông Tịnh đang được Hội Nông dân các tỉnh, thành lân cận liên kết chặt chẽ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nấm bào ngư xám. Đặc biệt, hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư xám của ông Tịnh đang góp phần nâng cao, phát triển nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà và thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn, với đa số người dân ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trồng xoài vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao, làm cho đời sống nông dân nơi đây rất khó khăn. 

Tuy khá thành công với trang trại nấm bào ngư xám, nhưng ông Tịnh cho biết: Sản phẩm nấm của trang trại cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ cung cấp cho các chợ và một số siêu thị trong nước, chưa xuất khẩu được do chưa có đầu mối, chưa đạt quy mô lớn. Hi vọng thời gian tới, sản phẩm nấm của trang trại ông sẽ được các cấp, các ngành của tỉnh An Giang hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia… và ổn định về đầu ra với giá thành đảm bảo có lãi, tạo thu nhập cho người nông dân.

Đặc biệt, điều ông Tịnh lo lắng là nếu bảo quản nấm không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nấm và mất giá; việc sấy khô nấm bào ngư hiện nay chưa có nơi nào tiên phong vì hao hụt nhiều và mất đi chất dinh dưỡng. Mô hình trồng nấm nói chung và nấm bào ngư xám nói riêng phù hợp với điều kiện của bà con vùng nông thôn, vì dễ trồng và dễ chăm sóc, không tốn nhiều diện tích, phù hợp với nhiều độ tuổi lao động, vì vậy trồng nấm sẽ phát triển, do đó rất cần các giải pháp nâng cao chất lượng cũng như bảo quản nấm. 

Không chỉ tâm huyết với trồng nấm bào ngư xám, ông Tịnh còn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, như: Phát gạo cho người nghèo, sửa chữa đường giao thông nông thôn, mua xe chuyên dùng để chuyển viện, đưa người bệnh cấp cứu miễn phí. Trong mùa dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, ông Tịnh đã hỗ trợ 2 xe cứu thương túc trực tại Trạm y tế xã Tấn Mỹ để phục vụ công tác chuyển viện, chuyển bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đi cách ly y tế; sử dụng xe tải chở hàng thiết yếu, vật tư y tế… hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19. Với những việc làm của mình, ông Tịnh đã được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Bằng khen của các cấp, các ngành… vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thiện nguyện cũng như đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

“Từ khi tôi chuyển hướng sang canh tác nấm bào ngư xám đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao, đời sống gia đình trở nên sung túc hơn. Do đó, tôi rất mong muốn chia sẻ mô hình trồng nấm này rộng rãi đến nhiều hộ nông dân trong khu vực để cải thiện đời sống người dân. Để làm được điều này, tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể các cấp của tỉnh An Giang”,
Theo ông Bùi Văn Tịnh.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác