Làm rõ thêm về tác động, bản chất, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20) xác định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”. Để đạt được mục tiêu, Nghị quyết 20 xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh: “Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong khuôn khổ của đề tài khoa học “Nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về kinh tế tập thể, hợp tác xã vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế” được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giao Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác thực hiện trong năm 2022 nhằm bổ sung, hoàn thiện lý luận về kinh tế tập thể (KTTT) trong nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế, nhóm tác giả cùng các chuyên gia, nhà khoa hoc đã tập trung nghiên cứu, trao đổi, thống nhất bổ sung, làm rõ thêm về những tác động, bản chất, vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế giai đoạn 2022-2030 như sau:
Kinh tế thị trường định hướng XHCN và Việt Nam hội nhập quốc tế tạo nhiều cơ hội, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đối với KTTT, HTX
KTTT, HTX sau 30 năm đổi mới và hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa IX) về kinh tế tập thể đã cho thấy, nền thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã có nhiều tác động tích cực, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đối với KTTT, HTX ở nước ta.
Về mặt tích cực: Tạo nhiều cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư của các tổ chức kinh tế mạnh trong và ngoài nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, khu vực và thế giới sẽ giúp các tổ chức KTTT có thêm cơ hội tiếp cận thông tin thị trường; trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến; cơ hội có thêm việc làm, thu nhập cho thành viên và nhân dân nơi các tổ chức KTTT hoạt động. Các tổ chức KTTT có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới. Thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn. Có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu. Hội nhập cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế nhất là vị thế trong khu vực…
Các khó khăn chính như: Sản phẩm của các tổ chức KTTT ở Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm cùng loại ở trong nước và của nước ngoài; Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao về sản phẩm mới, an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp… đó là thách thức lớn đối với KTTT. Trong khi KTTT khó thu hút vốn đầu tư phát triển dài hạn, vì không có tài sản đảm bảo, thiếu nguồn lực đối ứng các khoản vay dài hạn. Đa số các tổ chức KTTT có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, hoạt động hiệu quả chưa cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp trong việc thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao vì thu nhập nhìn chung thấp hơn doanh nghiệp….
Đặc trưng cơ bản của tổ chức kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2022-2030 và đến năm 2045
Nghị quyết 20 nêu: “KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp; thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ; Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.
Như vậy, có thể thấy rõ, KTTT có các đặc trưng cơ bản như: Tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ; có sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể các thành viên; thành viên bao gồm thể nhân và pháp nhân; có thành viên chính thức và thành viên liên kết; tổ chức kinh tế đối nhân (mỗi người 1 phiếu bầu, không phụ thuộc vào số lượng vốn góp); phân phối lợi nhuận theo mức độ tham gia dịch vụ, hiệu quả lao động và theo vốn góp; có vốn, tài sản chung không chia cho thành viên trong quá trình tồn tại của tổ chức KTTT.
Những loại hình tổ chức kinh tế được công nhận là KTTT trong giai đoạn 2022-2030 và đến năm 2045
Nghị quyết 20 nêu: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”; “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Như vậy, chỉ có 4 loại hình tổ chức kinh tế được công nhận là KTTT, gồm: THT, HTX, LHHTX và LĐHTX.
Kinh tế tập thể có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Việt Nam hội nhập quốc tế
Nghị quyết 20 nêu: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”;” thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; “Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hoá, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư…”.
Như vậy, vai trò, vị trí của KTTT được thể hiện: Cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; Bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên là nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững; Tạo việc làm, thu nhập và đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn; Phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khái niệm kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Từ những đặc trưng, các loại hình tổ chức KTTT và vai trò, vị trí của KTTT nêu trên, chúng ta có thể nhận diện rõ hơn khái niệm KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Việt Nam hội nhập kinh tế: Là một thành phần kinh tế, trong đó có các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, gồm: THT, HTX, LHHTX, LĐHTX do các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tổ chức KTTT có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và nguồn vốn khác của tổ chức kinh tế tập thể theo quy định của pháp luật. Tổ chức KTTT được thành lập doanh nghiệp khi có đủ điều kiện; doanh nghiệp của tổ chức KTTT hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Khái niệm này làm rõ thêm: Chỉ có 4 loại hình tổ chức kinh tế được công nhận là KTTT, gồm: THT, HTX, LHHTX, LĐHTX. Đối tượng được thành lập, tham gia thành viên của tổ chức KTTT, gồm: cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Các tổ chức KTTT có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của tổ chức kinh tế tập thể theo quy định của pháp luật (trách nhiệm hữu hạn); Tổ chức KTTT được thành lập doanh nghiệp khi có đủ điều kiện. Doanh nghiệp của tổ chức KTTT là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Về bản chất: KTTT là sự hợp tác của các thể nhân và pháp nhân thông qua 4 loại hình tổ chức kinh tế, gồm: THT, HTX, LHHTX và LĐHTX. Tổ chức KTTT coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức KTTT còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. Đóng góp về mặt kinh tế của KTTT trong nền kinh tế quốc dân là tỉ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức KTTT và của thành viên… Đóng góp về mặt xã hội của KTTT là số lượng thành viên được hưởng lợi, số lượng việc làm, các đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.... Phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hoá, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới