Lạng Sơn cần đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ khoai tây vụ Đông Xuân
Sản lượng, chất lượng tăng nhưng giá giảm đáng kể
Vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, toàn tỉnh Lạng Sơn trồng được hơn 650ha khoai tây (tăng 5% so với năm trước) với sản lượng ước đạt trên 8.800 tấn (tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước). Tuy năng suất, sản lượng tăng nhưng giá bán lại thấp so với những năm trước. Giá khoai tây thương phẩm năm nay giảm sâu, chỉ dao động từ 6.000-8.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4.000-5.000/kg so với những năm trước.
Vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, toàn tỉnh Lạng Sơn ước đạt trên 8.800 tấn khoai tây.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024, toàn tỉnh trồng được 654ha khoai tây (tăng 5% so với năm trước), chủ yếu trồng giống khoai tây Đức. Trong đó có gần 200ha khoai tây được công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm (tăng khoảng 30ha so với năm ngoái). Khoai tây được trồng nhiều tại một số huyện như: Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan… Năng suất khoai tây năm nay ước đạt 135 tạ/ha, (tăng 7,2 tạ/ha so với năm ngoái); sản lượng ước đạt trên 8.800 tấn (tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước). Tại huyện Lộc Bình, vụ Đông Xuân năm nay trồng trên 320ha khoai tây, vượt 120ha so với kế hoạch;
Các giống khoai tây được nông dân trồng nhiều như: Marabel, Solara, Dimant… đây là những giống khoai tây ruột vàng, củ nhẵn, hàm lượng tinh bột cao, thuận lợi cho việc sơ chế, chế biến thực phẩm. Để đảm bảo năng suất, chất lượng khoai tây, trước mỗi vụ sản xuất, các địa phương đã khảo sát, xây dựng kế hoạch chủ động nguồn nước tưới, giúp nông dân gieo trồng kịp thời vụ; kết nối với doanh nghiệp, đơn vị thu mua bao tiêu sản phẩm. Cùng đó, phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây, đó là Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn (thàng phố Lạng Sơn) và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp VIGIA (huyện Lộc Bình), với giống chủ yếu là giống khoai tây Marabel của Đức.
Nhằm hỗ trợ người dân và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan đã chủ động phối hợp với một số công ty như: Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn và Công ty TNHH MTV thương mại nông nghiệp ViGia thực hiện cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con với diện tích 180 ha. Đối với các địa phương khác, sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu do thương lái các tỉnh đến thu mua.
Để việc liên kết đạt hiệu quả theo hợp đồng, các doanh nghiệp tham gia liên kết thực hiện cung ứng trước cho bà con về giống theo hình thức trả chậm, đến cuối vụ mới thanh toán. Cùng với đó, các doanh nghiệp liên kết còn hỗ trợ bà con trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giám sát các hộ tham gia thực hiện đúng theo quy trình. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia liên kết cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cả linh động theo giá thị trường, đảm bảo mức lợi nhuận cho bà con yên tâm sản xuất.
Cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”
Xác định liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố đã chú trọng tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX và người dân thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có cây khoai tây.
Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ Đông Xuân của người dân Lạng Sơn.
Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ Đông Xuân đem lại thu nhập đáng kể cho người dân Lạng Sơn. Do năm trước được giá nên vụ khoai tây năm nay người dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng. Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhưng diện tích liên kết còn ít.
Theo bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua giá khoai tây thương phẩm bán cho thương lái thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường sẽ giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con.
Khoai tây của nông dân được Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn thu mua, bảo quản tại kho.
Ông Nguyễn Ngọc Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn chia sẻ, thời gian qua, khoai tây được bà con trong tỉnh trồng nhiều nhưng khó khăn khi tìm đầu ra, giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định. Do vậy, Công ty Đại Nguyễn đã liên kết với bà con sản xuất và tiêu thụ khoai tây với giá ổn định từ vụ Đông Xuân năm 2018-2019. Cùng với việc hỗ trợ giống và kỹ thuật cho bà con, vào mỗi vụ thu hoạch, Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm linh động theo giá thị trường, hỗ trợ người trồng bảo quản, tiêu thụ sản phẩm kịp thời để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn chuẩn bị khoai tây giống cho mùa vụ mới.
Nêu lý do khiến giá khoai tây thấp hơn năm ngoái, bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình phân tích: “Năm nay nhiều tỉnh trong nước mở rộng vùng trồng khoai tây khiến sản lượng tăng cao cùng một thời điểm dẫn đến xuống giá. Ngoài ra, người trồng trong tỉnh mua giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến khoai tây thương phẩm xấu về mẫu mã, hàm lượng tinh bột thấp, cùng với đó việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm khoai tây trên địa bàn còn chưa phổ biến.
“Để sản xuất vụ khoai tây vụ Đông Xuân năm 2024-2025 thành công hơn nữa, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, phối hợp với doanh nghiệp, HTX chuẩn bị cung ứng giống, phân bón đảm bảo kịp thời vụ; làm tốt công tác dự đoán, dự báo thị trường; tuyên truyền bà con sản xuất gối vụ, rải vụ để cung ứng cho thị trường. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện để liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, xây dựng các cơ sở nhà máy chế biến sâu về khoai tây nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khoai tây trên địa bàn”, bà Hằng nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, ngành Nông nghiệp của tỉnh cần làm tốt công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm khoai tây, đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm khoai tây, cũng như các công nghệ chế biến khoai tây... để chủ động cung ứng cho thị trường, góp phần ổn định đầu ra cho người nông dân để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” trong những vụ khoai tây sau.
“Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, HTX để mở rộng diện tích liên kết sản xuất khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân lựa chọn cơ sở cung cấp giống uy tín để mua giống đảm bảo chất lượng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cho người dân”- bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết.