Một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, sợ sai
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đó là nội dung Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc ngày 21/11.
Thu hồi hơn 20 nghìn tỷ đồng từ các vụ tham nhũng
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nêu lên thực trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, khẳng định rằng có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.
Công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Nhìn vào mặt tích cực, ông Đoàn Hồng Phong cho hay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can. Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc, với số tiền hơn 20.405 tỷ đồng.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.”
Chấn chỉnh tâm lý làm việc cầm chừng, sợ sai
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương.
“Kết quả phòng chống tham nhũng đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” bà Lê Thị Nga nói.
Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Đơn vị này cho rằng công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục sau thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng còn có những hạn chế.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực chưa cao. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
“Các ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, ‘tham nhũng vặt’, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức,” bà Lê Thị Nga nêu rõ.
Theo Vietnam+
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025