Nông nghiệp

Mường Lống phát triển gà đen bản địa cho hiệu quả kinh tế cao

07:18 03/10/2021 GMT+7

Gà đen vốn là đặc sản của người Mông và rất được ưa chuộng có nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng đang nuôi chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa nhân đàn phát triển được thành mô hình gia trại, trang trại. Thời gian qua, được sự quan tâm, định hướng và hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp mô hình gà đen ở Mường Lống (Kỳ Sơn- Nghệ An) ra đời và phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị đã mang lại nguồn thu nhập khấm khá cho đồng bào người Mông.

Mô hình đặc biệt của một chuyến đi

Ngược lên miền núi xa xôi, Mường Lống (Kỳ Sơn) cách trung tâm Thành phố Vinh chừng 300km. Nơi được ví như “cổng trời” chờn vờn mây mờ che phủ sớm chiều. Quanh bản làng chỉ một màu xanh của núi non trùng điệp. Vùng đất từng được xem là “thiên đường anh túc” thì nay đã hồi sinh tươi mới thay bằng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại.

Mỗi năm ông Vừa Tồng Pó cung cấp khoảng 8.000 – 9.000 con giống cho bà con trên địa bàn.

Năm 2019, trong chuyến công tác của đoàn cán bộ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Lương Quốc Đoàn lúc này đang là Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN làm trưởng đoàn (hiện tại đồng chí Lương Quốc Đoàn là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN) đến đây, đoàn đã nhận thấy xây dựng mô hình gà đen bản địa có tính khả thi rất cao. Đồng thời, việc xây dựng mô hình này sẽ định hướng được nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế, từ đó Trung ương Hội đã quyết định chỉ đạo hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển gà đen tại xã Mường Lống.

Ban đầu, Hội đã hỗ trợ 4.000 con giống gà đen địa phương cho 12 hộ gia đình. Cùng với đó là hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho các hộ gia đình tham; định hướng phát triển kinh tế tập thể; định hướng và bồi dưỡng tư duy kinh tế thị trường về phát triển gà đen trở thành mặt hàng thế mạnh huyện Kỳ Sơn.

Từ 12 hộ được Hội làm “bệ đỡ” cùng với 03 hộ đã xây dựng phát triển gà đen trước đó liên kết lại thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen trên bản Mường Lống 1. Đây chính là một trong những hướng đi phù hợp trong xu thế hiện nay là cần phải tạo ra chuỗi liên kết giá trị hàng hóa, mỗi thành viên trong chi hội đều tự nguyện trên tinh thần “5 cùng” để nâng cao sản phẩm do chính bàn tay, khối óc của mình làm ra.

Gà đen là giống gà truyền thống của đồng bào Mông từ thuở sơ khai lập ấp cho đến nay, phù hợp với khí hậu 2 mùa rõ rệt, mùa lạnh thấm thấu xương và mùa Hè mát mẻ, cộng với bản tính chăm chỉ, cần cù và biết vận dụng những kiến thức có được sau những buổi tập huấn của cán bộ chuyên môn kết hợp với kinh nghiệm bấy lâu nên việc chăn nuôi gà lại càng dễ dàng phát huy tính hiệu quả cao hơn.

Giống gà mang lại no ấm cho bà con đồng bào người Mông trên “cổng trời” Mường Lống

Từ chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen bản địa dưới sự định hướng của Hội Nông dân các cấp nay đã tiến đến thành lập được HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống gồm 07 thành viên. Đây là nòng cốt chính để phát triển nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Đây cũng là một trong những mô hình định hướng phát triển có hiệu quả ghép như: Hình thành cho người nông dân phát triển kinh tế thị trường, biết tính toán, hoạch định phát triển kinh tế; năng lực làm việc nhóm, hợp tác phát triển kinh tế. Ngoài ra nó còn định hướng cho người dân phát triển các mặt hàng thế mạnh bản địa bao gồm: Bò vỗ béo, mận tam hoa, đào cảnh; Khai thác các giá trị bản địa về văn hóa đồng bào Mông nhằm hướng đến xây dựng bản làng nông thôn mới về mọi mặt…

Thu nhập thuộc tốp đầu huyện Kỳ Sơn

Ông Hờ Bá Khù, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trước đây, Mường Lống được biết đến là thủ phủ của loài cây anh túc, chính nó đã gieo bao đau thương, loạn lạc cho nhiều gia đình nhưng rồi nhờ vào chính sách, chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước mà nay vùng đất này đã hồi sinh thực sự, nhà nhà sung túc làm ăn, bản làng đổi mới”

Mường Lống đang “thay da, đổi thịt” từng ngày

Vào gặp ông Vừ Tồng Pó năm nay hơn 50 tuổi ở bản Mường Lống 1 – người đã có ý tưởng bảo tồn giá trị của gà đen qua việc sưu tầm gà mái, gà trống bản địa để nuôi tập trung. Ngôi nhà khang trang, rộng rãi nằm ngay trung tâm của bản. Nhìn chúng tôi như những vị khách thân thiện của núi rừng, ông Pó cười nói “đây chỉ để ở cho sạch sẽ thôi, gà Pó nuôi phải đi vào hơn 2km trong đồi cao phía sau nhà”.

Men theo con đường lởm chởm đá chỉ đủ lọt tỏm 1 chiếc xe để đi đến trang trại, một bên là vách núi cao dốc, một bên là vực thẳm. Đường vào trại có thể đi được xe máy nhưng phải tay lái “sành” mới có thể thử thách được với cung đường đó. Theo quan sát, nhà để cho gà ở cũng làm giống với mô hình nhà sàn nhưng không được chỉn chu như nơi để cho người sinh hoạt. Nhìn thấy cảm giác lạ lạ của chúng tôi khi chuồng cho gà ở không giống như bình thường. Ông Pó nói “Phải cho gà ở như thế đề phòng những con động vật khác cắn, ăn thịt. Hơn nữa, gà ở trên này cách mặt đất một khoảng đỡ phải dọn dẹp vệ sinh khi mình còn bận việc, phân gà khi rơi xuống mặt đất chỉ cần ít phút dọn dẹp là xong. Ở đây đồi núi rộng rãi con gà tha hồ đi tìm kiếm thức ăn và “dạo núi”.

Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt khi những con gà bản địa đã làm nên nhiều thay đổi trong cuộc sống của người dân.

Hàng năm ông nuôi 1.200 con gà thương phẩm, bình quân một lứa gà nuôi 5 tháng là xuất bán cho thương lái, mỗi con có trọng lượng từ 1,2 đến 1.5kg bán với giá 200.000 đồng/kg. Ngoài nuôi gà thịt, ông còn là “ông chủ” cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu mua về nuôi và tái tạo đàn. Mỗi năm xuất khoảng 8.000 đến 9.000 con gà giống cho các gia đình trong và ngoài xã. Từ khi nở cho đến khi bán chỉ mất 7 ngày nên kinh doanh gà giống không tốn kém về thức ăn, giá mỗi con gà đen giống là 25.000 đồng. Cứ mỗi năm nuôi gà sau khi trừ chi phí cũng đã lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội cộng với tư duy biết làm ăn mà ông Pó đã được biểu dương là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Không chỉ riêng ông Pó, các thành viên trong Hợp tác xã cũng thu nhập khá cao hàng năm. Hộ nuôi ít nhất cũng đã cho thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/ tháng.

Nhờ được sự hỗ trợ từ Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình kinh tế nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho hội viên nông dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, Hội tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình này ở xã Huồi Tụ nhằm tạo ra chuỗi liên kết vùng theo hướng sản xuất hàng hóa cho đồng bào người Mông.

                                                                                                             Bùi Ánh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác