Nghị quyết 41 - Điểm tựa phát triển và niềm hứng khởi của doanh nghiệp
Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm. Trao đổi với báo chí nhân dịp cộng đồng DN nhận "món quà" đặc biệt đúng dịp "Tết doanh nhân", Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã phân tích sâu thêm về những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 41 và những công việc phải làm trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI khẳng định: Nghị quyết mới là sự đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra. Thực tế, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng đã khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi".
Nếu so sánh, Nghị quyết 41 có những mục tiêu kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết 41 xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình DN hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi, từ đó có các điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh". Như vậy, DN không chỉ lo làm ăn bình thường mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nghị quyết 41 xác định rõ yêu cầu quan trọng là "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Điểm mới đáng chú ý mà các DN hết sức ủng hộ là "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng...". Như vậy, xu hướng thời gian tới DN sẽ không còn phải lo ngại "hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Chủ tịch VCCI phân tích: Đây cũng là xu hướng khá phổ biến, ở nhiều nước phát triển khi DN vi phạm có chế tài về kinh tế, có khi khá nặng lên tới hàng tỷ USD nhưng hãn hữu mới xử lý hình sự, tránh gây ra những cú sốc lớn, có thể làm "sập" cả một thương hiệu, DN lớn, gây ra hệ lụy xã hội.
Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu "có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu".
Về nội dung này, Chủ tịch VCCI phân tích: Dù hoạt động chuyển giao công nghệ còn hạn chế nhưng không thể phủ nhận thành công về kinh tế của Việt Nam thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ khối DN đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là Việt Nam không thể phụ thuộc nhiều vào các DN FDI, nhất là không thể kỳ vọng họ trong hoạt động bảo đảm quốc phòng an ninh. Do đó, Nghị quyết yêu cầu phát triển các DN bản địa để thực hiện mục tiêu "xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Ông Phạm Tấn Công tâm đắc với quan điểm này và khẳng định, cần phải có những DN nội địa lớn, mạnh, làm chủ công nghệ và có cả những DN thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Tất nhiên, mục tiêu là vậy, nhưng phát triển DN cũng phải có lộ trình. Thực tế, các DN tương đối lớn hiện nay như FPT, Thaco-Trường Hải, Vingroup ...nhiều năm trước đây cũng xuất phát điểm từ những DN nhỏ và vừa.
Do đó, Nghị quyết 41 cũng rất quan tâm tới các DN nhỏ và vừa khi yêu cầu "Có chính sách tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ...".
Chủ tịch VCCI lưu ý, yêu cầu đặt ra không chỉ tăng quy mô, mà cần hình thành các DN lớn, mạnh nhưng phải thật sự hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Điểm mới đáng chú ý nữa là Nghị quyết 41 nêu rõ: "Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam. Về nội dung này, lãnh đạo VCCI chia sẻ: VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do VCCI tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, VCCI có kế hoạch xây dựng triết lý doanh nhân với những giá trị chung và có bản sắc riêng của doanh nhân Việt Nam.
Điểm quan trọng là Nghị quyết 41 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ sáu, Nghị quyết 41 đề ra phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, DN. Trong đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VCCI, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, DN; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Người đứng đầu VCCI khẳng định, thời gian tới sẽ tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai để Nghị quyết 41 thực sự đi vào cuộc sống.
"Có thể khẳng định, Nghị quyết 41 là điểm tựa để phát triển DN Việt Nam trong thời kỳ mới, xứng tầm hơn khi Việt Nam vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Để thực hiện mục tiêu còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm sửa đổi luật pháp, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh... VCCI sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp cho quá trình này", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025