Y tế

Nhiều biện pháp tích cực phòng, chống bệnh lao ở Tiền Giang

13:21 05/07/2021 GMT+7

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao, nhưng bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 triệu người tử vong do lao.

Các y, bác sĩ khám bệnh cho người dân xã Thạnh Mỹ và xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Ảnh Minh Út 

Năm 2020, theo WHO thì Việt Nam là nước có người bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong năm 2020 là 101.254 người, tỷ lệ phát hiện lao các thể là 103,7/100.000 người dân. Trong đó, có 60.306 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn, chiếm 59,6%, tỷ lệ phát hiện lao phổi có bằng chứng vi khuẩn là 61,8/100.000 người dân. Tỷ lệ lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn trên tổng số bệnh nhân là 20,6%, lao ngoài phổi là 19,8%.

So với chỉ tiêu đặt ra cho hoạt động phát hiện cả năm 2020, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi mới và tái phát có bằng chứng vi khuẩn học trên toàn quốc năm 2020 là 58,7/100.000 người dân, đạt 93,6% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (62,7/100.000 người dân); tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát năm là 101,8/100.000 người dân, đạt 101,4% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (100,4/100.000 người dân).

Tại tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ bệnh nhân lao các thể thu nhận hàng năm trung bình khoảng 2.084 người, tương đương 114 người/100.000 người dân, tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân lao là 58 người, tương đương 03 người/100.000 người dân. Với điều kiện về địa giới, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực của tỉnh sẽ đạt các mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân (giảm 16% trên năm), để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao, ngày 22/6/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về phòng, chống bệnh lao tiến tới chấm dứt bệnh lao đến năm 2030 tại Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu đến năm 2025: Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 102 người trên 100.000 người dân (giảm 9%/năm); giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 4 người trên 100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 4% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện và dưới 19% trong tổng số người bệnh lao tái trị.

Vào năm 2030: Tỉnh sẽ tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân (giảm 16% trên năm). Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Giảm số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc còn dưới 2% trong tổng số người bệnh lao.

* Các hoạt động cụ thể

Tăng cường nguồn lực và huy động xã hội cho hoạt động phòng, chống bệnh lao thông qua việc tổ chức hội thảo vận động chính sách, huy động nguồn lực và cam kết hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động chống lao giai đoạn 2021 – 2025 nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và triển khai Chiến lược phòng, chống bệnh lao với sự cam kết tham gia của các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh lao thông qua các cuộc hội thảo, các hình thức truyền thông trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang, báo Ấp Bắc, đài truyền thanh cấp xã; tuyên truyền bằng pa-nô, áp-phích, tờ rơi, treo băng-rôn tại các địa phương trong tỉnh… Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống bệnh lao.

Triển khai và nâng cao chất lượng dịch vụ chống lao toàn diện, ứng dụng các kỹ thuật mới trong phát hiện chẩn đoán bệnh lao bằng chụp X-quang phổi và xét nghiệm đờm trực tiếp, xét nghiệm GeneXpert cho các đối tượng nghi lao hoặc người nhà sống chung với bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường năng lực chẩn đoán bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV thông qua việc thường xuyên tập huấn cho nhân viên phòng xét nghiệm về xét nghiệm đờm trực tiếp, nuôi cấy, an toàn phòng xét nghiệm cho các nhân viên các phòng xét nghiệm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân, ứng dụng tối ưu các thuốc và phác đồ điều trị mới và hiện hành. Giám sát các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên toàn tỉnh, họp đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ kế hoạch giai đoạn 2021- 2025 và giao ban, tập huấn, sơ kết, tổng kết, lãnh thuốc Chương trình chống lao tại Trung ương.

Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên, tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể về thực thi chính sách, pháp luật đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập với các chế độ ưu đãi nghề theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật (theo Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chế độ phụ cấp độc hại theo hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu chung (theo Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ).

Đối với công tác truyền thông về bệnh lao và phòng, chống bệnh lao, cần tăng cường truyền thông sâu, rộng, nhiều hình thức đến người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, người di biến động hiểu, không mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao, chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp.

Tăng cường hoạt động chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng, chống bệnh lao thông qua việc đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới vào khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, áp dụng phương pháp X-quang phổi kỹ thuật số và xét nghiệm GeneXpert (chiến lược 2X) cho đối tượng người dân trên 15 tuổi, người bệnh tiểu đường, COPD, người già trên 60 tuổi, người nhiễm HIV và người tiếp xúc trong gia đình bệnh nhân lao (ước tính 10% dân số) để chủ động phát hiện bệnh lao cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao đảm bảo ổn định hoạt động phòng, chống bệnh lao tại tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã. Lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Tiengiang.vn

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác