Nông dân Thái Nguyên giàu lên nhờ vốn Quỹ
Những nông dân dám nghĩ, dám làm
Nằm cách trung tâm huyện Định Hóa 17km về phía Bắc, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi cao, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của xã Linh Thông không thuận lợi, do đó đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, xã Linh Thông đã có những khởi sắc về kinh tế do chính quyền địa phương nơi đây đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Xã đã vận động được 2 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản. Trong đó, HTX nông nghiệp Ngọc Thịnh đã hình thành và phát triển được sản phẩm vịt bầu cổ xanh, đưa sản phẩm gia cầm này thành sản phẩm đặc trưng của xã, xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4 đến 6% theo chuẩn nghèo đa chiều, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, bảo vệ môi trường nông thôn, xã Tân Cương, huyện Định Hóa đã tập trung sản xuất chè hữu cơ.
Gia đình ông Phạm Văn Học, xóm Hồng Thái 1, xã Tận Cương, thành phố Thái Nguyên là một trong những hộ dân đã trồng chè lâu năm với 7 sào canh tác giống chè LDP1. Trước kia gia đình ông sản xuất theo cách truyền thống và chưa biết chăm sóc cho cây chè, do đó cây chè bị sâu và cằn cỗi. Từ khi tham gia mô hình sản xuất chè sử dụng phân bón hữu cơ, đến nay, sau 2 lứa bón cho cây chè, ông đã thấy được hiệu quả rõ rệt, cây chè khỏe lại, búp xanh lại.
Thời gian qua, để các thành viên Liên hiệp HTX chè phát triển mạnh hơn và đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, Liên hiệp HTX của tỉnh đã kết hợp với Hội ND tăng cường kết nối thúc đẩy doanh nghiệp và người dân để sản xuất ra sản phẩm chè an toàn. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên.
Theo Hội ND tỉnh Thái Nguyên, trung bình mỗi năm, Thái Nguyên có 129.000 hộ ND đăng ký phấn đấu sản xuất - kinh doanh giỏi, qua bình xét có khoảng 58.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và bằng nhiều hình thức trợ giúp khác nhau, các cấp Hội đã đóng góp trên 5,3 tỷ đồng, hỗ trợ 30.000 ngày công lao động, giúp đỡ được 3.556 hộ ND thoát nghèo và nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Được vay vốn Quỹ để phát triển kinh tế
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên ND, thời gian qua, các cấp Hội ND trong tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp ND mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương.
Năm 2022, với nguồn vốn 60 triệu đồng vay từ dự án vay vốn Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên về nuôi dê sinh sản và thương phẩm, gia đình ông Triệu Văn Tướng xóm Tam Hợp, xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa đầu tư mua được 8 dê nái và đầu tư thêm 40 triệu đồng mở rộng chuồng trại, sau 1 năm xuất bán, trừ chi phí đã đem lại cho gia đình lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.
Đến nay, xóm Tam Hợp, xã Lam Vỹ đã có 18 hội viên tham gia chăn nuôi dê với nguồn vốn vay từ nguồn Quỹ Hội ND. Có được kết quả này là sự vào cuộc của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ND xây dựng các mô hình phù hợp với địa phương.
Chủ tịch Hội ND xã Lam Vỹ - ông Ma Văn Bao cho biết, xuất phát từ nhu cầu của người dân địa phương, sau khi thành lập dự án, Hội cũng thấy ở địa phương có những điều kiện phù hợp với việc sinh trưởng phát triển của con dê vì đặc thù của con dê là thích hợp với việc leo trèo ở miền núi.
Tận dụng nguồn nước từ khe núi ở khu rừng nguyên sinh chảy về qua nhà, xác định đây là nguồn nước không bị ô nhiễm, năm 2010, ông Nguyễn Văn Hà, xã Linh Thông, huyện Định Hóa đã mạnh dạn xây nắn dòng nước và làm hồ với mục đích nuôi cá. Sau một thời gian tìm hiểu về cá và kỹ thuật nuôi ở các tầng nước khác nhau, đến nay gia đình ông có 3 hồ với diện tích mặt nước khoảng 4ha, hàng năm đã mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lưu Đinh Chinh, Chủ tịch Hội ND xã Linh Thông, huyện Định Hóa cho biết: “Vài năm gần đây chúng tôi vận động được khoảng 40 hội viên tham gia vào các chương trình nuôi cá nước ngọt”. Giai đoạn 2021 đến 2025, quỹ Hội ND tỉnh Thái Nguyên được ngân sách tỉnh cấp bổ sung kinh phí trên 33 tỉ đồng, cùng với nguồn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác trên 13 tỉ đồng để hỗ trợ cho ND các cấp vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được trên 145 tổ hợp tác và trên 80 HTX hoạt động hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ HTND. Quỹ HTND tỉnh và Trung ương đang triển khai cho vay tại 75 dự án và có gần 900 hội viên được tiếp cận nguồn vốn. Nguồn vốn đã và đang phát huy hiệu quả giúp hoạt động Quỹ Hội ND đi vào thực chất gắn với phát triển phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trước khi chuyển giao vốn, Hội ND sẽ tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con ND để khi bà con có vốn sẽ sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
“Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, cùng với sự thay đổi tư duy của ND, Hội ND tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, giúp đỡ ND phát triển sản xuất và các hình thức phát triển kinh tế tập thể, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, gia tăng giá trị kinh tế cho ngành Nông nghiệp”.
Ông Ngô Thế Hoàn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi