Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh tìm hướng đi thích ứng với đô thị hóa
Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng thu hẹp diện tích sản xuất ngày càng nhanh do quá trình đô thị hoá các quận, huyện vùng ven.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách về quản lý đất đai, xây dựng hiện đang làm khó các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 3/11.
Nhiều thách thức
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư vào nông nghiệp là khó khăn và chịu nhiều rủi ro nhất.
Giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đạt gần 500 triệu đồng/ha, dự kiến giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất sẽ đạt 800 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với đầu tư sản xuất công nghiệp thì giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ bằng 1/962 lần. Giá trị sản xuất và hiệu quả lợi nhuận nhà đầu tư vào nông nghiệp thu được trên cùng một diện tích đất thua xa so với đầu tư phát triển công nghiệp.
Vấn đề thứ hai đó là quỹ đất nông nghiệp của thành phố đang bị thu hẹp rất nhanh. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha, dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 1.500ha đất nông nghiệp.
Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng eo hẹp.
Mặt khác, để tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, không thể thiếu các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên các chính sách hiện hành về quản lý đất đai, xây dựng đang làm khó cho cả người đầu tư lẫn cơ quan quản lý địa phương.
Ông Tống Đức Tiến, Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, chương trình thí điểm cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2020 đến nay chưa kịp “gỡ khó” cho các đơn vị đầu tư sản xuất nông nghiệp thì buộc phải ngừng do không phù hợp với quy định về Luật Xây dựng và Luật Đất đai.
Theo ông Tống Đức Tiến, quy định hiện nay thì các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp phải xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng đất nông nghiệp thì không được cấp phép xây dựng.
Đối với các trường hợp sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình có thể xin cấp phép xây dựng các công trình phụ trợ tương đương nhà cấp 4, diện tích dưới 1.000m2 và vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng.
Với các công trình phụ trợ tương đương với nhà cấp 3, cao hơn 6m và diện tích hơn 1.000m2, chủ đầu tư phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư và được chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Vấn đề này thời gian qua đang làm khó rất nhiều đơn vị muốn xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ khó khăn về cơ chế quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cũng đang đối mặt với tình trạng chi phí đầu vào sản xuất tăng cao. Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Bình Lợi chia sẻ, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi hiện nay đang cao ngất ngưỡng khiến người trồng trọt, chăn nuôi chật vật.
“Các loại phân bón hiện nay đã tăng từ 50-70 %, có loại tăng hơn 100% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Một bao phân DAP trước đây có giá khoảng 700.000 đồng/bao thì nay đã lên tới 1,6 triệu đồng/bao. Với chi phí như hiện nay, nếu người sản xuất không tăng giá bán sản phẩm thì phải chịu lỗ mà tăng giá bán thì khó bán được hàng," ông Lê Hữu Thiện nêu thực tế.
Tìm giải pháp thích ứng
Về lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thành phố, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cho rằng, thành phố đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng cần xem xét về lợi thế thật sự.
Ví dụ như bò sữa, 30 năm trước, thành phố có lợi thế so sánh vì có đội ngũ kỹ thuật và Công ty sữa Vinamilk lúc đó chỉ có một nhà máy sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu thu mua sữa tươi tại Củ Chi, Hóc Môn…
Tuy nhiên, hiện nay Vinamilk và các công ty sữa khác đã có nhà máy ở nhiều tỉnh thành khác và họ mua sữa tươi nguyên liệu khắp nơi, thông qua các trạm thu mua. Như vậy, nếu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển đàn bò sữa chỉ để bán sữa thì không còn lợi thế so với các địa phương khác.
Vì vậy, ngành bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh phải sớm chuyển sang mô hình mới, đadạng hoá các sản phẩm mới từ sữa và gắn với phát triển du lịch mới có thể cạnh tranh được.
Tương tự, hiện nay sản lượng rau, quả trên địa bàn đáp ứng được khoảng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố. Đáng nói là hầu như chưa có sản phẩm rau, quả nào vào được các hệ thống phân phối sản phẩm chất lượng cao mà chủ yếu tiêu thụ qua chợ đầu mối.
Điều này cho thấy rau, quả của thành phố chưa có thương hiệu, chỗ đứng và khó cạnh tranh với rau quả từ các địa phương khác.
“Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất rau, quả của thành phố rất khó để tăng diện tích, sản lượng mà phải tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng để tạo thương hiệu. Đồng thời, cần xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng để tiếp cận tốt nhóm khách hàng có nhu cầu sản phẩm chất lượng cao mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất," ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nhấn mạnh.
Liên quan đến bất cập trong đất đai, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều diện tích đất nông nghiệp hiện nay đã được quy hoạch thành đất ở trong tương lai nên không ai đầu tư sản xuất nông nghiệp dài hạn.
Tuy nhiên, quy hoạch đất ở chưa được thực hiện do thiếu điều kiện hạ tầng nên hiện tại bị bỏ trống.
Theo Luật Đất đai, đất phi nông nghiệp được xây dựng kho chứa sản phẩm, nhà để thức ăn gia súc gia cầm, vật tư nông nghiệp, đất nông nghiệp khác được xây dựng nhà kính còn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không trực tiếp trên đất thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Với bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, các quận huyện cần rà soát lại nhu cầu và đề xuất đưa diện tích đất phục vụ các công trình phụ trợ vào đất nông nghiệp khác để không vướng chuyển đổi mục đích sử dụng về sau. Thêm vào đó, các sở, ngành liên quan cần sớm tham mưu cho Ủy ban Nhân dân kiến nghị lên cấp trên để có hướng tháo gỡ hiệu quả," đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
Trong khi đó, các hợp tác xã kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét đưa các mặt hàng vật tư sản xuất nông nghiệp vào chương trình bình ổn thị trường để giảm gánh nặng chi phí cho người sản xuất.
Mặt khác, cần cập nhật và ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thẳng đứng như nhà màng, nhà kính nhiều tầng để nâng cao hệ số canh tác cũng như thác hiệu quả các không gian trống trong đô thị vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp./.
Theo Vietnam Plus
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi