An ninh nông thôn

Phát hiện vi phạm phải kiểm nghiệm, thông tin ngay đến người tiêu dùng

07:51 12/01/2023 GMT+7
Quan điểm của Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm là các đoàn đi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay để nhanh chóng có kết quả và thông tin đến người tiêu dùng sớm nhất.

Nhanh chóng công bố thông tin cơ sở vi phạm về ATTP  đến người tiêu dùng

Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm bảo đảm bảo sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội xuân năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này.

Trong đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì đoàn kiểm tra số 1 tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Hà Nam.

Vừa trở về từ chuyến công tác tại hai địa phương, thông tin với phóng viên VOV2, bà Trần Việt Nga cho biết, công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn thực phẩm cho dịp Tết ở hai địa phương tương đối tốt. Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của hai tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyến huyện, tuyến xã tiến hành triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Qua trực tiếp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh, bà Trần Việt Nga đánh giá, cơ bản các cơ sở đã có ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong đợt này. 

 

"Đây là một tín hiệu tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết. Nếu như các địa phương khác cũng triển khai được như thế thì tôi cho rằng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện”, Bà Trần Việt Nga nói.

phat hien vi pham phai kiem nghiem, thong tin ngay den nguoi tieu dung hinh anh 1

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết được triển khai đồng bộ từ TW đến xã, phường

Trong năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm đã giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm với hậu quả tương đối lớn như, ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trường học. Đặc biệt, càng gần Tết thì số bệnh nhân ngộ độc rượu lại có xu hướng gia tăng. Do đó, các tỉnh thành như Hà Nam, Bắc Ninh cũng đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm ngăn chặn các vụ rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp bán ra thị trường.

Bà Trần Việt Nga cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, nếu phát hiện các vi phạm sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, danh tính, địa chỉ các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ công bố công khai trên website của Cục An toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm được. Với các địa phương sẽ công bố công khai trên hệ thống thông tin của xã phường. Ở cấp trung ương sẽ đăng tải trên các website của Bộ, ngành.

“Quan điểm của Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm, các đoàn đi thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay để nhanh chóng có kết quả và thông tin đến người tiêu dùng sớm nhất. Đảm bảo trước Tết các thông tin về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm phải được công khai để người tiêu dùng biết”, bà Trần Việt Nga nhấn mạnh.

Để người dân đón Tết an vui, bớt nỗi lo về an toàn thực phẩm

Với dân số hơn 10 triệu người, Hà Nội là một trong những địa bàn tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhất là trong dịp Tết. Theo bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, để người tiêu dùng bớt nỗi lo về thực phẩm không an toàn, thành phố đã thành lập 676 đoàn kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm.

phat hien vi pham phai kiem nghiem, thong tin ngay den nguoi tieu dung hinh anh 2

UBND TPHà Nội thành lập 676 đoàn đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

“Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mà vi phạm về an toàn thực phẩm thì phải xử lý nghiêm như, xử phạt hành chính hoặc thu hồi, tiêu hủy và có thể chuyển các cơ quan có thẩm quyền điều tra và xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, bà Trần Thị Phương Lan nói.

Cũng theo bà Phương Lan, do nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra các biến động về giá, vì vậy, thành phố đã huy động nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với gần 20.000 điểm bán hàng phục vụ người dân trong dịp Tết.

Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung-cầu với 53 tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm có chất lượng cao cũng như đặc sản của các vùng miền vào hệ thống siêu thị và các điểm bán hàng OCOP, giúp nhân dân Thủ đô có thêm sự lựa chọn và mua sắm được các loại thực phẩm an toàn trong dịp Tết.   

Nhằm tránh mua phải thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, bà Trần Thị Phương Lan cũng hướng dẫn người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm tại các siêu thị hay hệ thống bán lẻ có thương hiệu, uy tín. Nếu mua thực phẩm tại chợ dân sinh nên chọn những quầy hàng đã có được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, nên đọc kỹ nhãn mác hàng hóa hoặc quan sát kỹ, kiểm tra chất lượng bằng cảm quan đối với thực phẩm tươi sống trước khi mua./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác