Phú Yên tìm giải pháp nuôi tôm phát triển bền vững
Trong hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hiện nay, muốn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thì phải hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì sản phẩm phải đủ tiêu chuẩn gia nhập vào những thị trường khó tính bằng con đường chính ngạch. Vì vậy, xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là chủ trương lớn của tỉnh Phú Yên trong những năm tới.
Thời gian gần đây, người nuôi tôm hùm lồng ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thu gom toàn bộ rác thải cũng như lượng thức ăn thừa trong từng lồng nuôi đem vào bờ xử lý chứ không thải ra vùng nước nuôi tại chỗ như lâu nay.
Hoạt động này đã dần trở thành một khâu không thể thiếu trong quá trình nuôi hằng ngày của người nuôi tôm thị xã Sông Cầu. Nhờ vậy, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm môi trường nuôi ở khu vực này đã giảm đáng kể. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần xây dựng vùng nuôi thuỷ sản đạt những tiêu chuẩn VietGap, Global Gap….
Anh Phan Minh Tâm và Phan Văn Tỏ, ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khẳng định: “Hằng ngày, sáng ra tôi lặn lồng cho tôm ăn. Tôi lặn xuống vớt mồi dư của tôm ăn, thấy con tôm nào chết thì bắt lên luôn để cho sạch lồng, tôm mau lớn và bảo vệ được môi trường nữa".
Các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên còn tích cực triển khai nhiều hoạt động xây dựng vùng nuôi thủy sản an toàn hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường khác nhau. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn cũng tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản trên mặt nước biển. Các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cung ứng được sản lượng lớn trong vụ thu hoạch với chất lượng đồng đều, đạt các tiêu chuẩn an toàn vùng nuôi; Đồng thời tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng chục lao động tại chỗ.
Ông Nguyễn Thành Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết: “Hiện nay các nhà đầu tư đã về thị xã Sông Cầu để định hướng, nuôi trồng và phát triển theo hướng bền vững cũng như các đơn vị đã liên hệ với thị xã Sông Cầu để cho bà con đi tập huấn kỹ thuật”.
Nhằm hỗ trợ người nuôi thủy sản hình thành các vùng nuôi thủy sản an toàn, nhiều năm trở lại đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên triển khai các hoạt động quan trắc môi trường ở những vùng nuôi thuỷ sản trọng điểm. Những chỉ số quan trắc này được tổng hợp và gửi tới từng hộ nuôi một cách đều đặn.
Đây là cơ sở để mỗi hộ nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho đối tượng nuôi mỗi ngày theo hướng vừa giảm chi phí sản xuất vừa hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết: “Hiện nay hệ thống thông tin chúng tôi đưa về tới tận cơ sở, các hội, hiệp hội, chi hội hay có những bà con cộng tác là những người mà chúng tôi mời cùng tham gia giám sát với chúng tôi thì thông tin cũng được chia sẻ đến với bà con. Rõ ràng kênh thông tin gần như đi sát với thực tế rồi. Bà con xung quanh vùng đó cần cập nhật để có những thông tin mà mình ứng phó điều chỉnh cho hoạt động nuôi của mình".
Theo Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của cả nước, từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD.
Ðến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD. Mục tiêu này là cơ sở, là động lực thúc đẩy các địa phương ven biển có những cách làm linh hoạt, phù hợp để xây dựng nhiều vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính./.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi