Nông nghiệp

Quảng trị: Tôm chết hàng loạt, người dân đang chờ cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý

Đức Thủy - Bùi Ánh - 07:45 12/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian gần đây, phần lớn diện tích nuôi tôm của người dân tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Từ vài ao nuôi tôm ban đầu, đến thời điểm này toàn xã Vĩnh Sơn đã có hơn 109 ha trên tổng số 166 ha tôm nuôi bị chết.

Được biết, tình trạng tôm bị bệnh và chết bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn xã Vĩnh Sơn vào khoảng đầu tháng 5/2023. Sau đó tiếp tục lây lan nhanh, một số hộ đã xuống giống hơn 1 tháng có thể vớt vát được, nhưng những hộ vừa mới xuống giống khoảng 20 ngày đến 1 tháng trở lại đành ngậm ngùi nhìn tôm chết dần. Trong đó diện tích tôm chết tập trung vào 3 thôn: thôn Huỳnh Thượng (10,2 ha), thôn Phan Hiền (65 ha), thôn Huỳnh Xá Hạ (33,9 ha).

Tôm bị bệnh và chết bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn xã Vĩnh Sơn sau đó lây lan nhanh. Ảnh: Đức Thủy

Trước tình trạng trạng con tôm nhiễm bệnh và chết hàng loạt như trên, nhiều hộ nuôi tôm đành gắng gượng bỏ vài triệu đồng để tự mua hóa chất Chrorin về tự xử lý. Nhưng trong số đó còn không ít bà con vẫn trông chờ được cơ quan chức năng hỗ trợ hoá chất dập dịch nhưng chưa có. Vậy nên dịch bệnh trên tôm ở xã Vĩnh Sơn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Linh và các ngành chức năng sớm hỗ trợ hoá chất cho các hộ gia đình dập dịch. Ước tính cả xã có nhu cầu trên 52 tấn hoá chất Clorine, nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho bà con.

Toàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã có hơn 109 ha trên tổng số 166 ha tôm nuôi bị chết. Ảnh: Đức Thủy

Qua tìm hiểu được biết, xã Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh) cũng bị thiệt hại với diện tích 22,6 ha tôm nuôi bị bệnh và chết. Trước đó, cơ quan chức năng đã lấy 5 mẫu nước trên sông Sa Lung và dọc sông Bến Hải, thì có 3 mẫu vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) và QCVN 02-19:2014/BNNPTNT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm) từ trên 2 đến 1.260 lần, trong đó:

1 mẫu nước lấy trên sông nhánh Sa Lung (khe Bảo Đài) có kết quả quan trắc thông số TSS vượt giới hạn B1 của QCVN 08MT:2015/BTNMT  2,02 lần.

1 mẫu nước lấy trên kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm Phan Hiền có kết quả quan trắc các thông số TSS vượt 23,88 lần, COD vượt 7,43 lần và Coliform vượt 1.260 lần so với giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

1mẫu nước lấy tại điểm giao giữa sông Sa Lung và sông Bến Hải có kết quả quan trắc thông số COD vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT 8,4 lần, thông số H2S vượt giới hạn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT là 27,2 lần.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác