Diễn đàn

Quỹ Hỗ trợ nông dân Nghệ An: Tạo đà giúp hội viên ổn định cuộc sống

07:08 03/08/2021 GMT+7

Nhờ tận dụng lợi thế vùng đất bãi bồi ven đê sông Lam của địa phương, sự nhanh nhạy khi lựa chọn hướng đi phát triển kinh tế của các hộ gia đình, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ các cấp Hội, nhiều gia đình trên địa bàn xã Long Xá (Hưng Nguyên – Nghệ An) tập trung vào chăn nuôi bò lai Sind sinh sản – một hướng làm ăn kinh tế cải thiện cuộc sống mới cho người dân.

Niềm vui khi chăm sóc vật nuôi mang lại kinh tế cho gia đình của chị Hiền – Hộ chăn nuôi bò lai Shin trên địa bàn xã Long Xá (Hưng Nguyên, Nghệ An).

Phát triển đàn, gia tăng kinh tế

Sau khi có chủ trương xây dựng dự án, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên đã tiến hành khảo sát lựa chọn các địa điểm để xây dựng dự án. Sau khi chọn được địa điểm để thực hiện, huyện Hội đã bám sát cơ sở để hướng dẫn họp bình xét chọn lọc đối tượng tham gia dự án, đồng thời hướng dẫn cơ sở lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Trong số các dự án đó, mô hình chăn nuôi bò lai Sind sinh sản đã lựa chọn được 10 hộ trên địa bàn xã Long Xá.

“Long Xá có hơn 100ha bãi bồi ven sông chỉ sản xuất một mùa còn lại tận dụng được trồng cỏ để chăn nuôi. Hơn nữa, bãi bồi này còn là nơi để chăn thả trâu bò không tốn công sức, thời gian chăn dắt. Đây thực sự là một lợi thế rất lớn ở đối với địa phương. Các hộ chăn nuôi bò lai Sind sinh sản ngày một nhiều, tăng tổng đàn lên rất lớn, có nhiều hộ chăn nuôi theo thời vụ để tận dụng đất trống bãi bồi khi chưa vào vụ. Nhờ thế, ngoài chăn nuôi không tốn sức, tốn của thì các hộ còn có thời gian để tập trung vào những việc khác trong sản xuất nông nghiệp để kiếm thêm thu nhập”, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ.

Giống bò lai Sind là giống bò có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, phù hợp với khí hậu miền Trung. Bò là loài ăn tạp, lớn nhanh, dễ nuôi, nguồn thức ăn của bò hoàn toàn là từ cỏ voi và phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ phơi khô, thân cây ngô, cây khoai… Tuy nhiên, để bò lai Shind sinh sản tốt cần bổ sung lượng thức ăn tinh bột từ cám ngô, cám gạo hoặc cám viên trong thời kỳ mang bầu và nuôi con. Ngoài ra, cần đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho bò. Đây là loại bò mang nhiều ưu điểm hơn so với các giống bò thông thường, mắn đẻ, nuôi con tốt, thích nghi được với điều kiện khí hậu nóng… Nhờ những ưu điểm này mà bò lai Sind hiện đang được nuôi khá nhiều. mỗi con bê sau khi sinh đạt trọng lượng 24- 25kg; khi trưởng thành, mỗi con bò có thể đạt từ 300- 400kg.

Từ nguồn vốn 500 triệu đồng cho 10 hộ vay năm 2018, các hộ dân đã đầu tư thêm chuồng trại, mua thêm bò lai Sind về chăm sóc để nâng đàn lên. Sau 3 năm triển khai dự án, đến nay từ 10 con giống ban đầu đã phát triển đàn lên hơn 30 con, mỗi con bê sau khi sinh nuôi đến 3 tháng có thể bán giá dao động từ 20 đến 25 triệu tùy vào thời điểm.

“Mô hình chăn nuôi bò này có tính lan tỏa cao về hình thức chăn nuôi theo hướng chăn nuôi bò sinh sản tập trung, đảm bảo an toàn trong dịch bệnh, tận dụng được lao động địa phương, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cỏ và chế biến thức ăn dự trữ cho bò, mô hình đã được nhân rộng tại địa phương”, hộ chăn nuôi Lê Thì Hiền cho biết.

Tận dụng bãi bồi ven sông Lam các hộ chăn nuôi có thể thả rông đàn bò mà không phải dành nhiều thời gian trông coi.

Nâng cao vai trò của Hội đối với hội viên nông dân

Có thể nói, dự án chăn nuôi bò lai Sind sinh sản của các hộ dân trên địa bàn đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông dân. Từ đó, nhân lên niềm tin của hội viên vào vai trò của tổ chức Hội trong việc định hướng, chỉ đạo cách thức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để qua đó phong trào ngày một lan rộng và có ảnh hưởng tích cực đến các tầng lớp nhân dân .

“Để nguồn vốn phát huy được hiệu quả như mong muốn thì trong quá trình triển khai theo lộ trình của dự án, hàng quý huyện Hội thành lập đoàn đi kiểm tra tiến độ thực hiện tại cơ sở, để điều hành kịp thời, nhằm thúc đẩy dự án và mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm vào dịp giao ban cụm cuối năm, huyện Hội tổ chức cho các đại biểu về tham dự giao ban, đi tham quan các dự án và mô hình phát triển kinh tế, để rút kinh nghiệm và triển khai tại địa phương mình. Huyện Hội đang tích cực phát triển nguồn Quỹ để tiếp tục có những đầu tư đúng đắn cho các dự án trên địa bàn, giúp người dân giảm bớt phần nào về vốn khi bắt tay vào phát triến kinh tế. Chỉ tính từ 31/12/2020 đến 5/2021 tổng nguồn Quỹ cả 3 cấp đạt gần 3,2 tỷ đồng cho 91 hộ vay thực hiện trên 18 dự án”, ông Phạm Hồng Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết.

Dự án phát triển bò lai Sind sinh sản tại xã Long Xá giúp cho hội viên nông dân có công việc làm ăn ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao khai thác tiền năng lợi thế của vùng. “Nhờ được vay nguồn vốn Quỹ mà gia đình tôi có thêm tiền để mua thêm 2 con bò, nâng đàn lên được 5 con, nên hàng năm gia đình chỉ cần tập trung chăm sóc đàn bò cũng đã có thu nhập rồi. Cảm ơn các cấp Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ thêm vốn để người dân chúng tôi có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao mức thu cho gia đình”, ông Nam – Hộ chăn nuôi bò lai Sind cho biết.

Để vai trò của Hội ngày một được nâng cao, thời gian tới Hội ND xã tập trung vào phát triển kinh tế nhằm giúp người dân nâng cao đời sống, đặc biệt chú trọng đầu tư kinh tế theo hình thức trang trại hướng đến thành lập tổ, hội nghề nghiệp liên kết trong sản xuất. Hội tuyên truyền vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phối hợp với các ngành theo mô hình liên kết 4 Nhà, hỗ trợ nông dân về vốn, kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn chuyển giao khoa học kĩ thuật để người dân nhanh chóng bắt nhịp trong đầu tư.

“Chăn nuôi bò trên địa bàn Long Xá có truyền thống từ lâu, sau khi có nguồn Quỹ Hỗ trợ các hộ đầu tư thêm con giống và chuồng trại nên tính tổng thu nhập từ nguồn lợi chăn nuôi cũng khá ổn cho bà con nông dân. Bò lai Sind ngoài cho sản phẩm là bê con, nó còn phục vụ cày kéo trong sản xuất nông nghiệp, cho thêm phân bón cây trồng… nên nếu kể về lợi nhuận thu lại trong việc chăn nuôi thì nhiều lắm”.
Bà Lê Thì Hiền (hộ chăn nuôi)

Bùi Ánh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác