Học hỏi làm giàu

RCEP được kỳ vọng là 'luồng gió mới' thúc đẩy kinh tế toàn cầu

11:14 02/01/2022 GMT+7
Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh việc RCEP có hiệu lực thể hiện quyết tâm của khu vực thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, tự do, công bằng, bao trùm và dựa trên nguyên tắc.
TIN LIÊN QUAN

Việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia thành viên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 được cho là sẽ tạo ra một "luồng gió mới" thúc đẩy sự phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19, đồng thời là chất xúc tác góp phần đẩy mạnh kinh tế toàn cầu.

RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần 30% dân số (tương đương 2,7 tỷ người) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP - tương đương 26.200 tỷ USD) toàn cầu.

Với quy mô của RCEP, cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng chảy đầu tư và thương mại khu vực, cũng như hội nhập kinh tế và thịnh vượng khu vực và thế giới.

Hiệp định RCEP có hiệu lực: Cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư. (Ảnh minh họa).

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhận định RCEP sẽ mở ra những cơ hội có thể là "chất xúc tác" giúp mở rộng đầu tư và thương mại khu vực. Ông cho rằng việc RCEP được thực thi, khu vực này sẽ trở thành một cơ sở sản xuất duy nhất cũng như một thị trường tiêu thụ các sản phẩm của riêng khu vực.

Trong một tuyên bố ngày 1/1, Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh việc RCEP có hiệu lực thể hiện quyết tâm của khu vực thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, tự do, công bằng, bao trùm và dựa trên nguyên tắc.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho rằng RCEP sẽ không chỉ mang lại những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Malaysia mà còn cho các cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực tham gia RCEP tiếp cận thị trường nước này và các nước ASEAN.

Một số quan chức khác cho rằng RCEP sẽ tiến tới loại bỏ thuế quan cho hơn 90% hàng hóa, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, điều chỉnh các quy tắc và quy định phù hợp, hợp lý hóa các thủ tục hải quan, đồng thời thiết lập những nguyên tắc chung liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định RCEP sẽ tạo ra "một trung tâm thu hút thương mại toàn cầu," đồng thời cho rằng thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực tăng thêm 42 tỷ USD.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, đến năm 2030, RCEP sẽ tăng thu nhập của các nền kinh tế thành viên thêm 0,6%, tương đương 245 tỷ USD mỗi năm, và tạo 2,8 triệu việc làm cho nền kinh tế khu vực.

Giáo sư Lawrence Loh thuộc Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore cho rằng RCEP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập sâu hơn các chuỗi cung ứng, trong khi tính linh hoạt của dòng chảy hàng hóa và dịch vụ sẽ tạo ra một siêu chuỗi cung ứng châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo giáo sư Liu Ziyang thuộc Đại học Kyonggi ở Hàn Quốc, việc thực thi RCEP sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy xây dựng khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương.

Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Nhật Bản, Jin Jianmin, kỳ vọng bên cạnh việc kích thích tăng trưởng kinh tế, RCEP sẽ giúp cải cách thể chế và khả năng quản trị kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với các mức thuế quan ngay cả trong khu vực thương mại tự do nếu sản phẩm của họ có các thành phần được sản xuất ở ngoài khu vực.

Theo quy định về xuất xứ sản phẩm của RCEP, sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên RCEP sẽ được xem xét một cách công bằng, điều này có thể mang lại cho các công ty ở các nước thành viên RCEP động lực tìm kiếm các nhà cung cấp trong khu vực./.

Theo Vietnam +

Tin cùng chuyên mục
Tin khác