Sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên tăng trưởng bền vững
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá Tây Nguyên có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam. Đây là khu vực có gần 2 triệu héc-ta đất đỏ ba-zan màu mỡ, tương đương 60% tổng diện tích đất đỏ ba-zan của quốc gia, rất phù hợp cho các loại cây trồng có lợi nhuận cao như cà phê, ca- cao, hồ tiêu, dâu tằm tơ và trà. Đây cũng là khu vực đóng góp cho 4/5 sản lượng cà phê của quốc gia. Với lợi thế địa lý vùng cao và có nhiều thác nước, nguồn lợi thủy điện trong khu vực cũng có rất nhiều tiềm năng. Khu vực Tây Nguyên cũng có trữ lượng bô-xít khoảng 8 tỷ tấn. Ngoài ra, khu vực còn có những lợi thế lớn để phát triển du lịch, trong đó Đà Lạt là một trong những điểm thu hút du khách quan trọng nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện ADB cũng cho biết khu vực này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển: Biến đổi khí hậu, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có kỹ năng, hạ tầng chưa phát triển, nhất là hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế khác của Việt Nam.
Vì vậy, một trong những yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên là hình thành hạ tầng kết nối khu vực với các vùng, miền khác của Việt Nam, nhất là với vùng duyên hải.
"ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên trong giai đoạn 2023 – 2026. Những dự án này không chỉ tăng cường năng lực kết nối liên vùng, mà còn hỗ trợ Tây Nguyên xử lý tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và đô thị", Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ.
Đại điện các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đã chia sẻ một số khuyến nghị và đề xuất về chuyển đổi sang sản xuất thông minh gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Tây Nguyên.
Cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên cần có các phân tích sâu về động lực sử dụng đất giữa các ngành và thảo luận về cách có thể đạt được các mục tiêu của các lĩnh vực đồng thời giảm tối đa các tác động đến nguồn vốn thiên nhiên (đặc biệt là rừng và đa dạng sinh học).
Việc xây dựng năng lực thích ứng và cải thiện sinh kế của người dân địa phương sẽ dựa trên cơ sở áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng dựa vào thiên nhiên và chuỗi giá trị hàng hóa không làm mất rừng ở quy mô lớn. Từ đó, góp phần cải thiện tính bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của hệ thống sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.
Theo đó, Chính phủ nên xác định và xây dựng các chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy chuyển đổi theo hướng thực hành nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững với khí hậu, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Các tiêu chí hàng hóa bền vững phải được xác định rõ ràng kết hợp với khung giám sát, đánh giá có khả năng cảnh báo sớm, minh bạch và bao trùm đối với việc thực thi các quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị hàng hóa ngày càng tăng.
Ngoài ra, với tỷ lệ hộ nghèo cao ở Tây Nguyên, việc tăng tỷ lệ bảo trợ xã hội và tiếp cận dịch vụ y tế là rất quan trọng đòi hỏi phát triển mạng lưới an sinh xã hội đáp ứng tốt hơn cùng các chương trình bảo trợ xã hội, tăng mức hưởng lợi và cơ hội việc làm cho người dân.
Bà Naomi Kitahara khẳng định, cùng với các đối tác, Liên Hợp Quốc sẵn sàng tham gia thúc đẩy chương trình nghị sự của Chính phủ thông qua thực hiện các biện pháp đã, đang triển khai, nhằm hỗ trợ Tây Nguyên hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với khí hậu./.
Theo Chinhphu.vn
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi