Sản xuất nông sản hữu cơ: Người trong cuộc vẫn đang loay hoay
Nông sản hữu cơ còn nhiều rào cản
Những năm gần đây, tại Bình Dương, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I - Unifarm cho rằng, các doanh nghiệp đều có chiến lược trong việc lựa chọn sản phẩm, đầu tư về công nghệ để đạt chất lượng tốt, đưa sản phẩm an toàn nhất đến với người tiêu dùng.
Hiện Unifarm là một trong số doanh nghiệp đầu tiên của Bình Dương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với 40 ha dưa lưới, hơn 1.200 ha chuối… cung ứng cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần cho thị trường nội địa. Dù phân khúc nông sản hữu cơ vẫn có chỗ đứng nhất định cũng như doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật, nhưng Unifarm đã gác lại kế hoạch phát triển nông sản hữu cơ vì nhiều lý do.
Ông Phạm Quốc Liêm cho biết, luôn ủng hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng nếu thực hiện đồng loạt có khả năng để lại nhiều hệ lụy. Mục tiêu của công ty là chuyển giao, nhân rộng cách thức sản xuất nông sản an toàn cho nông dân một cách đại trà, nhằm mang lại sự hài hòa về lợi ích.
“Bây giờ chúng ta cùng chỉ nhau cách làm nông sản an toàn, nhân rộng ra, minh bạch, rõ ràng, đàng hoàng, làm sao sản xuất được rau an toàn, người tiêu dùng sử dụng rau an toàn. Chúng ta làm tốt bước một, sau đó làm tiếp bước hai, chứ cứ hô hào làm hữu cơ thì vô tình cổ vũ cho một nhóm hàng nhỏ mà bỏ qua nhóm hàng lớn rất quan trọng” - ông Phạm Quốc Liêm nói.
Lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp, HTX vẫn tiếp tục duy trì sản xuất theo VietGAP, Globalgap và chưa đẩy mạnh sản xuất nông sản hữu cơ phục vụ cho nhóm đối tượng có nhu cầu cao, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, tỉnh Đồng Nai cho rằng: Khuynh hướng nông nghiệp của khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên trong tương lai là nông nghiệp sinh thái, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một phần quan trọng của hướng đi này. Trong khi tâm lý của người tiêu dùng vẫn còn e ngại với khái niệm sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, thì vấn đề quan trọng là năng lực của nông dân, cũng như thị trường hiện nay chưa đủ lớn để nhà sản xuất toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực này.
“Có thị trường rồi, dù khó thì cũng làm được hết. Dĩ nhiên đối với nông dân thì cũng khó chuyển đổi nhưng chính họ là những người thúc đẩy cho nông nghiệp hữu cơ, chứ doanh nghiệp không làm nổi. Bây giờ kinh tế thị trường rồi thì mình lắng nghe thị trường, cái nào khó mình làm từ từ. Còn làm thì phải cân đối theo thị trường, đừng làm ngược lại” - ông Nguyễn Ngọc Luân nói.
Phá vỡ “tảng băng” nhận thức về nông nghiệp hữu cơ
Hiện nay mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng nông sản và thực phẩm đã cao hơn, họ luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Do vậy, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và người nông dân khi sản xuất nông nghiệp phải làm thật, làm đúng chất lượng nhằm phát triển và tồn tại bền vững. Để làm được điều này, các bên liên quan phải cùng nhau vào cuộc, từ Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã đến người nông dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, việc liên kết với nông dân để tăng quy mô sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp làm, nhưng rất ít người thành công do không kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như chưa thay đổi được cách làm manh mún của nông dân, nhất là thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón.
Qua kinh nghiệm hỗ trợ nông dân phát triển phân khúc này, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, từng chủ thể tham gia phải chủ động tương tác để cùng giải bài toán minh bạch nguồn gốc xuất xứ cho hàng nông sản hữu cơ. Bên cạnh chiến lược đầu tư nhân lực và vật lực thì những năm gần đây, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn chuyển qua hoạt động kinh doanh theo hướng hữu cơ.
“Để thực hiện chiến lược chuyển đổi, công ty liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xuất nhập khẩu nông sản liên kết với các hợp tác xã chuyên canh cây trồng địa phương để phục vụ cho xuất khẩu, phối hợp tham gia các đề tài liên kết với các nhà khoa học nhằm hướng dẫn người nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” - ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết tất cả đều làm nông nghiệp hữu cơ, mà chỉ thực hiện một phân khúc nào đó, còn lại quan trọng nhất là cần đảm bảo sản xuất an toàn, tuân thủ quy trình, được chứng nhận đầy đủ, sử dụng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng hơn, để xây dựng thị trường cho nông nghiệp hữu cơ bền vững, rất cần củng cố lòng tin của người tiêu dùng./.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi