Tân Hóa được vinh danh Làng Du lịch tốt nhất thế giới
Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, mới đây, tại Samarkand, Uzbekistan, Tổ chức Du lịch thế giới đã vinh danh Tân Hóa (thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là Làng Du lịch tốt nhất thế giới.
Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages – BTV) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua du lịch.
Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hoá, cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 8 km về phía Đông Nam. Tân Hoá ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm, ngày xưa rừng núi ngút ngàn với nhiều loại gỗ quý như: Dạ hương, huệ, lim, sến, gỗ mun, lát, kiền kiền và các loại tre nứa, song mây, các loại cây dược liệu quý như: Sa nhân, hà thủ ô, ngũ da bì, sâm trần, mật ong và các loại cây thuốc nam khác. Núi rừng Tân Hóa xưa kia là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như: Voi, bò tót, hổ, báo, gấu, sơn dương, hươu, nai, lợn rừng, chồn, cáo, khỉ; Nhiều loại chim như: Công, khướu, gà rừng… Núi đá vôi ở Tân Hoá có nhiều hang động như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… đây sẽ là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động.
Tân Hóa có dòng sông Nan bắt nguồn từ xã Thượng Hoá chảy dọc theo núi đá vôi từ đầu xã đến cuối xã đổ về sông Rào Nam của huyện Quảng Trạch ra cửa Sông Gianh.
Vốn được mệnh danh là "vùng rốn lũ",“thung lũng đựng nước” bởi vào mùa mưa, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã Tân Hoá. Lối thoát nước duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng, tuy nhiên những lối thoát này không đủ lớn để lượng nước lũ ồ ạt có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Vì vậy, vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hàng năm khi khu vực hứng những trận mưa lớn thì thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những trận lũ lớn gây ngập sâu cho những ngôi làng ven sông Rào Nan. Trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hoá, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú ẩn chờ nước rút.
“Cái khó ló cái khôn” sau trận lũ lịch sử 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ.” Bè phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại tùy vào từng nhà làm bè lớn hay nhỏ, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà bè nổi theo nước, ban đầu người dân chỉ kết bè và đặt thùng phuy bên dưới, đồ đạc quý giá được đặt lên và lấy bạt che mưa, người dân thì lên núi dựng lán tránh lũ cho đến khi nước rút mới quay về dọn dẹp, đến năm 2012 dần về sau từ kinh nghiệm qua những năm lụt bà con cải tiến từ bè nổi lên thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng vì là nước dâng không chảy xiết nên bà con cố định nhà thông qua 4 cọc định vị ở 4 gốc nhà và cả gia đình sống trong nhà nổi sinh hoạt bình thường, ngoài mùa mưa lũ người dân dùng nhà nổi để cất đồ đạc như lương thực lúa, gạo, ngô…và các thiết bị quan trọng khác.
Từ đó, năm 2023 xã Tân Hóa đã có gần 620 căn nhà nổi được xây dựng, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Toàn bộ 620 căn nhà nổi này được các tổ chức, cá nhân và các mạnh thường quân tài trợ 100% kinh phí để xây dựng. Cuộc sống của người dân Tân Hoá ngày nay đang thích ứng với thời tiết và họ sống chung với lũ một cách yên bình.
Từ năm 2011, Oxalis lần đầu tiên được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực Hệ Thống Hang Động Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau, phù hợp với các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
Hơn 10 năm qua, các hoạt động du lịch đã trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 người dân Tân Hóa, với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động du lịch cũng gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động địa phương thông qua các hoạt động homestay, ăn uống tại nhà dân, cung ứng thực phẩm và các hoạt động khác. Với mức thu nhập bình quân dao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Từ những người sống cậy nhờ cả vào việc khai thác rừng, giờ đây người dân Tân Hóa trở thành những người bảo vệ từng thân cây, từng góc rừng, coi việc bảo vệ rừng là chắt chiu từng kế sinh nhai, là bảo vệ chính nguồn sống bền vững của mình. Nhờ du lịch, cuộc sống của người dân từng bước cải thiện, có thu nhập ổn định, con cái được đến trường, từ đó, chung tay vào xây dựng và phát triển quê hương.
Tân Hóa đang từng bước trở thành một cộng đồng du lịch bền vững, cộng đồng liên kết với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch và nhiều giá trị cho du khách. Đặc biệt, với những sản phẩm khai thác từ chính bất lợi của thiên tai, biến bất lợi thành lợi thế mà Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng với thời tiết, nơi mà du khách có thể trải nghiệm được nhiều dịch vụ khác biệt, mới mẻ. Người dân không còn chỉ làm du lịch theo mùa mà có thể làm du lịch quanh năm.
Đến Tân Hóa, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp hoang sơ, thanh bình của một làng quê yên bình mà còn được khám phá hệ thống hang động Tú Làn gồm 10 hang động khác nhau với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025