Nông nghiệp

Nghệ An chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp

Bùi Ánh - 08:07 21/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Giống lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hoạt động trồng rừng. Công tác giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Xem đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp” – ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND nhận định tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bùi Ánh

Ngày 19/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo “Xây dựng các loại hình công nghệ áp dụng trong chu trình sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp tại trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ”. Để rừng thực sự là vàng, là sinh kế bền vững cho hàng triệu nông dân thì việc phát huy giá trị kinh tế của rừng cần đặc biệt chú trọng. Một trong những khâu đầu tiên và cơ bản nhất để đạt được điều đó chính là chất lượng giống cây trồng.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 25 đơn vị sản xuất kinh doanh giống tập trung chủ yếu là các tổ chức quản lý nhà nước thuộc các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và một số hộ gia đình tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ... các loài chính được sản xuất chủ yếu là Keo, Sao đen, Lát, Xoan...

Tỉnh Nghệ An hiện có 25 đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Ảnh: Bùi Ánh

Năm 2021 Nghệ An sản xuất được 33,58 triệu cây đến 2022 là 36,5 triệu cây các loại và trồng được gần là 20.789,64ha/18.500 ha theo kế hoạch, tăng 6% so với năm 2021 là 19.253ha.

Một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ trong tạo giống, được tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng nguồn giống, nắm vững và thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với khoảng trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó có trên 965 nghìn héc ta rừng, với độ che phủ 58,41%, chiếm gần 40% diện tích có rừng toàn vùng Bắc Trung Bộ. Vì vậy, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021. Đây chính là thế mạnh để Nghệ An bứt phá trong thời gian tới về phát triển kinh tế rừng.

Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng các loại hình công nghệ áp dụng trong chu trình sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp tại trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ”. Ảnh: Bùi Ánh

Tại Hội thảo đã có nhiều tham luận của các tổ chức, đơn vị trồng rừng cũng như các công ty lâm nghiệp, sản xuất gỗ trên địa bàn với những đề xuất các giải pháp có tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng để tăng sản lượng gỗ trên từng héc ta rừng.

Để chất lượng rừng trồng tỉnh Nghệ An ngày càng đạt năng suất, chất lượng cao thì việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp và tăng cường công tác quản lý cần được đẩy mạnh, đặc biệt đối với lĩnh vực giống cây lâm nghiệp. Sử dụng giống tốt là một biện pháp thâm canh mũi nhọn làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả cuả rừng trồng. Muốn làm được như vậy  một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện đúng quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Thế mạnh mà Nghệ An đã có để đạt được điều đó chính là Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng CNC tại xã Nghi Lâm huyện Nghi Lộc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với diện tích trên 48ha hiện đang được đầu tư xây dựng, bước đầu đã có một số kết quả như: Trồng trên 20 ngàn cây trong đó có 47 loài cây lâm nghiệp quý hiếm và 02 ha vườn cây đầu dòng tiếp nhận chuyển giao một số công nghệ hiện đại trong sản xuất giống lâm nghiệp.

Sử dụng giống tốt là một biện pháp thâm canh mũi nhọn làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả cuả rừng trồng. Ảnh: Bùi Ánh

Tuy nhiên, đối với công tác quản lý sản xuất và kinh doanh giống lâm nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Công nghệ sản xuất mới chỉ tập trung gieo hạt, giâm hom. Số lượng các nguồn giống, vườn ươm đa số chưa được đầu tư, chăm sóc, quản lý, bảo vệ. Nhiều cơ sở không đăng ký hoạt động sản xuất giống với cơ quan quản lý Nhà nước, nên khó kiểm soát chất lượng về giống dẫn đến chất lượng giống chưa cao, giá cả không đồng đều.

Kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Đệ đưa ra một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như:

Một là, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động phân khu Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ  theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, tập huấn công tác giống cây trồng lâm nghiệp rộng rãi cho người dân về việc sử dụng giống tốt, giống có nguồn gốc rõ ràng.

Bốn là, có chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực sản xuất giống sinh dưỡng và nuôi cấy mô tế bào; quản lý rừng giống; kiểm nghiệm giống; bảo quản giống và các công tác khác có liên quan đến giống cây lâm nghiệp.

Với khoảng trên 1,16 triệu hecta, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh sẽ là lợi thế để phát triển kinh tế rừng trong thời gian tới. Ảnh: Bùi Ánh

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giống lâm nghiệp  nâng cao nhận thức cho người sử dụng giống. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát tờ rơi, truyền thanh, truyền hình để mọi cấp, mọi ngành và người làm rừng nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của việc sử dụng giống tốt, loại bỏ việc sử dụng giống xô bồ, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trồng rừng.

Song song với đó là đầu tư, nâng cấp các cơ sở sản xuất kinh doanh giống: Nâng cấp các loại vườn ươm đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống có chất lượng cao. Đầu tư, cải thiện di truyền các khu rừng giống, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác sản xuất giống lâm nghiệp để cải thiện và nâng cao năng lực sản xuất giống tốt.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác