Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Tết Nguyên Đán - Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Trần Quốc Dân( *) - 06:56 22/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt. Những phong tục, tập quán tốt đẹp trong những ngày Tết chính là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, hệ giá trị, đạo đức, thẩm mỹ của con người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay.
Ảnh minh họa.

Văn hóa làng quê là cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam

Như chúng ta đã biết, bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác. Với tinh thần ấy, Tết Nguyên đán là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa làng quê đã tạo dựng những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên hồn cốt của dân tộc, trong đó có những ngày Tết. Làng quê Việt Nam là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng những người nông dân trồng lúa nước, và họ chính là chủ nhân của nền Văn minh Nông nghiệp lúa nước. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên, trong đó có tiết khí. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, ông cha ta kết hợp lịch thời tiết tháng với tuần trăng và năm với thời tiết, đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc giao thời, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mùng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán - Tết đầu năm mới.

Việt Nam tự hào có nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện đa dạng trong cuộc sống đời thường nhưng rõ nhất là qua những sinh hoạt, thực hành văn hóa của cá nhân, cộng đồng gắn với những sự kiện lịch sử, chính trị của dân tộc, đất nước. Tết Nguyên đán là biểu hiện rõ nhất bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết như là một khoảng thời gian tĩnh lặng để những kỷ niệm xưa ùa về, để mỗi người nhớ đến những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mình, của gia đình và làng quê. Vì thế, Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cá nhân và cộng đồng; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.

Hàng năm, Tết Nguyên đán được tổ chức vào ngày Mồng 1 tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam (cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài cũng đón Tết Nguyên đán vào thời gian trên - một minh chứng sinh động của việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam). Đón Tết cũng là đón Xuân. Mùa Xuân là sự khởi đầu của một năm mới - một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà. Đón Tết là một sinh hoạt văn hóa của người Việt mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết cũng là dịp tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi, khép lại những gì ưu phiền, không may mắn, đồng thời mở ra đón chào một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với bao niềm tin và hy vọng về một năm mới an lành, may mắn, thành công. Tết cũng là dịp mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm cha ông, phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa truyền thống, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân.

Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc cho nhau với những điều tốt đẹp nhất, mừng tuổi người già và trẻ nhỏ, thực hành thờ cúng tổ tiên. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho ngày Tết. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian, nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để thêm động lực cống hiến và thêm yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.

Ảnh minh họa.

Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức của mọi người 

Giờ khắc linh thiêng nhất của Tết là lúc giao thừa đêm Ba mươi, thời khắc trời đất giao hòa, thời gian như đọng lại. Gia đình quây quần, sum họp tạm biệt năm cũ và đón năm mới; mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và cùng chung mong ước sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, nỗi niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ, người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về. Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn, cử hành từ Tết ông Công, ông Táo, đến lễ cúng tất niên, đêm giao thừa, lễ tân niên trong phạm vi gia đình, dòng họ đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, biết ơn Thành Hoàng làng và các vị anh hùng có công với dân với nước ở các đình, đền, chùa, am miếu. Trước bàn thờ, một làn khói nhang bay lên nhè nhẹ, chở những nghĩ suy thầm kín nhất của con người về với ông bà tổ tiên; văng vẳng đâu đó tiếng chuông chùa, đánh thức miền ký ức xa xưa, khơi dậy những khát vọng của con người về cái đúng, cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước, hy vọng vào cuộc sống, tương lai tươi sáng.

Những thực hành sinh hoạt văn hóa của người dân trước và trong những ngày Tết, cùng hàng trăm lễ hội diễn ra trong và sau Tết ở khắp các miền quê từ thành thị đến nông thôn, miền ngược đến miền xuôi là những biểu hiện sinh động của nền văn hóa phong phú mà đa dạng, giàu bản sắc, đồng thời, khẳng định Tết Nguyên đán là bản sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Hoà trong không khí se se lạnh, cảnh sắc xuân tươi đẹp, trong cái lất phất của mưa xuân là những bộ trang phục sặc sỡ, là lối chơi Tết, ăn Tết độc đáo của các tộc người đã dệt nên bức tranh xuân đa dạng, phong phú khiến lòng người rạo rực, háo hức với bao niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Trải qua thời gian, những ký ức về Tết, phong vị Tết, hình ảnh Tết ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới theo hướng lắng đọng, sâu sắc hơn.

Những phong tục, tập quán tốt đẹp trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc chính là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, hệ giá trị, đạo đức và thẩm mỹ của con người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều giá trị tốt đẹp của những ngày Tết đã được cộng đồng chung tay gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay.

Trong giai đoạn phát triển mới, với nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh phần lớn người dân, gia đình Việt Nam vẫn duy trì nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp của Tết Nguyên đán, thì cũng xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về việc giữ gìn nét đẹp cổ truyền này, thậm chí đâu đó có tiếng nói đề nghị bỏ Tết Nguyên đán chỉ nên có Tết Dương lịch cho hòa nhập với thế giới. Đặc biệt, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nhiều phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền đã bị mai một, bị biến tướng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, làm sai lệch bản chất tốt đẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, sinh hoạt cộng đồng... Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu phải nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu, là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, gìn giữ, phát huy, phát triển và quảng bá.

Xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, sự thay đổi, biến tướng làm băng hoại giá trị truyền thống, nhân cách, đạo đức, văn hóa ứng xử của con người, rất xa lạ với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tình cảm, nhận thức và hành vi của các thế hệ sau này là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, thiết nghĩ việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là rất cần thiết và trách nhiệm của toàn xã hội. Điều đó, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong nước cũng như nước ngoài đều phải cùng nhau giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của Tết một cách trân trọng, thực hành và trao truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Đồng thời, cũng cần phê phán, lên án, đấu tranh loại bỏ những hủ tục trong dịp Tết Nguyên đán, để cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của ngày Tết ngày càng hoàn thiện, góp phần hình thành những thế hệ người Việt Nam gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, vừa không xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. 

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu con người, quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai. Và mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày Tết của dân tộc Việt với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cơ sở củng cố ý thức tự tôn dân tộc và là nền tảng cho sự phát triển bền vững; tiếp tục phát huy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ mối quan hệ hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Là tiết lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với bao niềm tin và hy vọng về một năm mới an lành, may mắn, thành công. Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới, sum họp gia đình với nhiều phong tục tốt đẹp. Không khí Tết thấm đượm tình người đã tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh tinh thần để dân tộc vượt qua những khó khăn, trở ngại; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc. 

* Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đắc Hưng: Văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
2. Xem: https://tapchicongsan.org.vn, Hoàng Thị Hương: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế.
3. Xem: https://tuyengiao.vn, Nguyễn Huy Phòng: Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác