Phong trào nông dân

Thành công sau “100 lần thất bại” với cây nấm

07:06 10/10/2021 GMT+7

Đó là mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ của hội viên nông dân Đào Huy Cương ở phường Quyết Tiến, TP. Lai Châu (Lai Châu). Với quy trình sản xuất khép kín, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 23 lao động địa phương, thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Anh Đào Huy Cương (bên phải, áo xanh) giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với lãnh đạo Hội Nông dân.

Từ thợ pha sơn trở thành ND trồng nấm giỏi

Dẫn chúng tôi tham quan khu trồng nấm đông trùng hạ thảo, anh Cương cho biết: Anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Phúc, đến Lai Châu lập nghiệp bằng nghề làm thợ pha sơn cung cấp cho các cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy. Một lần, xem ti vi thấy giới thiệu về nấm đông trùng hạ thảo rất tốt cho sức khoẻ, ở Việt Nam chỉ Đà Lạt có khí hậu thuận lợi mới trồng được, giá bán lại rất cao. Anh băn khoăn, sản phẩm tốt như thế, lại hiếm, không biết nơi đây có trồng được không.

Từ băn khoăn đó, nên anh Cương quyết định tìm hiểu, nghiên cứu về cách trồng loại nấm này. Năm 2014, anh cất công đến học hỏi những người có cùng đam mê ở các tỉnh như: Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, anh Cương cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là nghề mới và người dạy cũng không truyền đạt cho nhau hết những bí quyết của họ, nhiều mô hình chưa ổn định, còn non trẻ nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt. Lúc đó anh thấy mình chưa đủ tự tin để thành công.

“Một thời gian sau được bạn giới thiệu, tôi cùng với một số người cùng chí hướng ở các tỉnh đóng góp số tiền học phí lên tới 1,5 tỷ đồng thuê thầy dạy. Đó là một người thầy có kinh nghiệm trồng nấm đông trùng hạ thảo đến từ nước Thái Lan. Vào giữa năm 2015, với lượng kiến thức tích lũy được, tôi đủ tự tin để bắt tay vào trồng nấm và thành lập cơ sở trồng nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương” – anh Cương chia sẻ.

Anh Cương cho biết: Thời gian đầu, cơ sở trồng nấm của anh chỉ có 30m2, làm ngay tại khu nhà đang ở, đồng thời, có thể tận dụng các giá thể làm thức ăn cho nấm từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: Gạo, trứng gà, ngô, thóc, sâu chít, nhộng tằm nên tiết kiệm được nguồn chi phí vận chuyển. Nguồn giống mua của nước ngoài và Viện Bảo vệ thực vật, chi phí ban đầu cũng ngốn của anh Cương đến cả tỷ đồng.

Nhân viên làm việc tại cơ sở nấm của anh Đào Huy Cương.

Áp dụng quy trình sản xuất khép kín

Dù được truyền dạy nghề nhưng thành công cũng chưa đến với anh Cương, anh kể: “Tôi có đến cả 100 lần thất bại do áp dụng sai quy trình kỹ thuật, mỗi lần hỏng trung bình khoảng 700 hộp giống. Điều đó tương đương với mức độ thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Lần nặng nề nhất, tôi phải hủy 10.000 hộp giống vì con giống không thể bén vào giá thể”.

Thất bại nhưng không nản, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sau một thời gian dài tìm hiểu, anh xác định được nguyên nhân chính đó là khâu vô trùng chưa được thực hiện tốt dẫn đến con giống không thể bám vào giá thể để sinh trưởng và phát triển được. Việc vô trùng các hộp giống được xem là yếu tố quyết định thành hay bại của đợt trồng nấm đó. Để khắc phục những rủi ro trên, cách duy nhất là phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối để con giống sống và phát triển, cần tuân thủ quy trình kỹ thuật. Lời khuyên của anh Cương đối với những người trồng nấm đông trùng hạ thảo là “đặc biệt phải chú trọng khâu khử trùng, vệ sinh môi trường xung quanh”.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, anh Cương quyết định đầu tư trang thiết bị một cách đồng bộ, sản xuất theo chu trình khép kín để đảm bảo môi trường an toàn cho cây nấm phát triển thuận lợi. Anh đầu tư tủ cấy vi sinh và phòng kín nuôi cấy, nồi hấp khử trùng, máy sấy nấm bóng đèn led, cốc thủy tinh (15.000 chiếc), máy điều hòa, vật liệu cách nhiệt, hệ thống tạo ẩm tự động; máy lắc tạo giống cấp 2…

Đồng thời, anh Cương thực hiện áp dụng kỹ thuật sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm theo từng bước cụ thể từ khâu chuẩn bị giống, nguyên liệu làm môi trường, cấy chuyển giống, lên men, tạo điều kiện ra quả thể cho nấm, thu hoạch quả thể nấm và bảo quản… “Đối với giống cấp 1 (được cấy chuyển ra từ giống gốc) có môi trường gồm các thành phần dinh dưỡng để cung cấp cho sự sinh trưởng và phát triển của nấm. Giống cấp 2 là loại sử dụng để sản xuất được tạo bằng cách cấy chuyển liên tiếp 2 lần từ giống gốc ban đầu trên từng loại môi trường phù hợp. Từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch mất khoảng 55 ngày, khi đó, quả thể nấm có độ dài từ 5 – 7cm, sau đó tiến hành sấy khô trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời gian 24 – 36 giờ cho đến khi độ ẩm của sản phẩm chỉ còn 8 – 10%” – anh Cương cho biết thêm.

Đến nay, cơ sở trồng nấm của anh Cương có diện tích khoảng 1.500m2, được quy hoạch cụ thể: Khu tập thể thức ăn, khu cấy giống, khu nuôi trồng và kích nhiệt, khu trưng bày sản phẩm (tươi, khô, ngâm rượu). Đồng thời, nhờ học hỏi, sáng tạo mà anh Cương đã chủ động được nguồn giống tại chỗ,

Và điều đặc biệt của sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ ở cơ sở của anh Cương đó là trồng hoàn toàn trên cá thể con nhộng để lấy nấm nên nấm có màu đỏ từ gốc đến ngọn, khi uống không bị ngái. Chính vì vậy, sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng.

Theo anh Đào Huy Cương, mỗi năm cơ sở của anh có thể thu hoạch từ 300 – 400kg nấm khô, mức giá bán khoảng 10 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi khoảng 2 tỷ đồng. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 23 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Ông Mùa A Trừ – Chủ tịch Hội ND tỉnh Lai Châu cho biết: Hội Nông dân các cấp và chính quyền luôn tạo điều kiện để cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của anh Đào Huy Cương phát triển sản xuất; cho anh Cương thuê gian hàng tại Trung tâm Hỗ trợ ND tỉnh để trưng bày và bán sản phẩm. Hiện toàn bộ sản phẩm do cơ sở nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương đều được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.

“Điều đáng trân trọng từ anh Cương đó là anh còn truyền nghề cho nhiều hộ ND trong tỉnh bằng việc mở các lớp chuyên về giá thể thấp, giá thể của sâu chít hoặc tằm. Đến nay đã có học viên làm ra sản phẩm và cũng đăng ký được sản phẩm OCOP. Đây là gương điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và giúp nhau làm giàu. Trở thành mô hình điểm để Hội ND xây dựng kế hoạch, hướng đến mỗi huyện sẽ hình thành 1-2 mô hình như vậy. Không những làm kinh tế giỏi, anh Cương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ hộ nghèo…” – ông Mùa A Trừ cho biết thêm.

“Nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ là sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, do vấn đề về nguồn vốn và đầu ra của sản phẩm còn gặp khó khăn, nên tôi rất mong các cấp, các ngành, đoàn thể tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ để chúng tôi mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quy mô nuôi trồng, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống”
Anh Đào Huy Cương.

Bài, ảnh: Quang Tú

Tin cùng chuyên mục
Tin khác