Thành lập Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam
Hiện nay, trong tất cả các loại cây gia vị, chỉ có Hồ tiêu có sự hỗ trợ của Hiệp hội là tổ chức ngành hàng trung gian, làm cầu nối giữa sản xuất và thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia… Trong khi đó, các loại gia vị khác của Việt Nam vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới. Giá trị thu về từ cây gia vị của nông dân chỉ ở mức thấp do chủ yếu bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 232.000 tấn hạt tiêu, với gần 990 triệu USD. Còn nếu tính chung toàn ngành gia vị Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 370.000 tấn, với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD. So với nước có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên như Việt Nam có thể nói con số này còn rất khiêm tốn.
Trước thực tiễn và cơ hội nhận định còn rất lớn với nhóm hàng gia vị, để mở rộng sân chơi cho các thành viên, ngày 17/3/2023, Hiệp hội Hồ tiêu (VPA) tổ chức Đại hội bất thường, đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA).
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA cho biết, trong nhóm ngành hàng gia vị cây tiêu Việt Nam lọt vào top sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, kế đến là cây hồi, cây quế đứng thứ ba và nhiều cây gia vị khác nữa.
Việt Nam hiện có gần 200 nhà xuất khẩu hồ tiêu và khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu gia vị các loại. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay ngành hồ tiêu và gia vị chỉ mới khai thác khoảng 40% - 50% lợi thế. Để khai thác tối đa lợi thế, hiện doanh nghiệp cần tăng cường hiểu biết về thị trường nhập khẩu.
Ví dụ, trước tác động của biến đổi khí hậu, gần đây EU đã ban hành Luật Chống phá rừng, tất cả những sản phẩm đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp từ các nước đi vào EU phải thỏa mãn yêu cầu không phá rừng và không làm cho rừng suy thoái.
Hiện có một số sản phẩm của Việt Nam như cà phê, ca cao đã được EU đưa vào tầm ngắm và có báo cáo sâu hơn, EU chưa đề cập đến cây tiêu và các cây gia vị khác nhưng trong tương lai chắc chắn họ sẽ quan tâm đến, bởi cây tiêu và các cây gia vị khác đều có đặc thù chung như cây cà phê và cây ca cao.
Thứ hai, cây tiêu tuy có mô hình liên kết sản xuất tốt nhưng cần phải củng cố thêm, giúp nông dân khi đưa sản phẩm ra thị trường đáp ứng được đòi hỏi nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn về chất lượng đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thứ ba, ngay trong nội tại của hiệp hội vẫn chưa có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp như công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, cập nhật thông tin tìm hiểu khách hàng, kết nối với các tổ chức ngành hàng gia vị khác trên thế giới, và vai trò của hiệp hội là kết nối thị trường với cộng đồng doanh nghiệp đang bị vắng.
Vẫn theo Chủ tịch VPA, thành lập hiệp hội gia vị là xu thế phổ biến, và mô hình này hoạt động rất hiệu quả trên thế giới. Hiện nay có các hiệp hội gia vị các nước như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Campuchia... Tiếng nói của các hiệp hội rất có trọng lượng đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ, hơn thế còn giúp cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, đưa các cây gia vị và các sản phẩm từ gia vị ra thị trường thế giới.
Khi sức mạnh về quyền đàm phán và mặc cả trong thương mại quốc tế được nâng lên thì tiếng nói của doanh nghiệp cũng mạnh mẽ hơn. "Chính vì vậy, việc đổi tên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam là yêu cầu cần thiết hiện nay", bà Liên khẳng định.
Trong 20 năm qua, ngành hồ tiêu phát triển rất thành công với khối lượng sản xuất đạt hơn 40% và hơn 60% lượng tiêu cung cấp trên toàn cầu đều đi ra từ cửa ngõ cảng Cát Lái hay cảng Hải Phòng của Việt Nam. Đây là một con số rất ý nghĩa. Theo bà Liên, nếu có một hiệp hội lớn hơn với số sản phẩm nhiều hơn, cơ hội tham gia vào các thị trường chắc chắn cũng lớn hơn, như vậy sẽ cùng thúc đẩy ngành hồ tiêu và gia vị phát triển tương xứng với tiềm năng.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi