Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2023
Tại phiên họp các thành viên Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 9 nội dung gồm 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 02 dự thảo Luật: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đặc biệt về đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chuẩn bị, các đại biểu cho rằng cần thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, khi xây dựng Luật này cần quan tâm chế tài quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế xây dựng những công trình, khu đô thị mới cần tính toán quy mô dân số để có giải pháp giãn, giảm mật độ xây dựng, xây dựng công trình hạ tầng ngầm nhất là các đô thị loại 1, đô thi lớn, tránh tình trạng ùn tắc và cần quan tâm bảo vệ môi trường; phải bảo đảm cảnh quan đô thị, tránh tình trạng lấp ao hồ gây mất cảnh quan và ngập úng cục bộ trong đô thị.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý về việc cần phải có quy định trong việc ưu tiên tách riêng hệ thống nước thải đô thị để xử lý, vì hiện nay hầu hết các đô thị ở Việt Nam nước mưa và nước thải đang cùng chung mương thoát nước và chưa có nhà máy xử lý.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị và pháp luật có liên quan; nhất là việc đánh giá một cách khách quan, tổng thể những tồn tại, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai, đề xuất những quy định, biện pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả; Rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính trong dự thảo Đề cương, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm cắt giảm thực chất, không chồng chéo, trùng lắp; đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần tại các nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là luật khó, có phạm vi điều chỉnh rộng, cần cân nhắc, những gì đã được các luật khác quy định thì không đưa vào trong luật; những gì chưa được luật khác quy định thì nên điều chỉnh; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ), các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật nêu trên là cần thiết, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, ổn định lâu dài cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, củng cố sự đồng thuận chính trị và sự ủng hộ của xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ là gìn giữ hòa bình thế giới; khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của nước ta trên trường quốc tế.
Đối với đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Pháp lệnh này là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Khu Di tích Lăng trong giai đoạn mới.
Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 9 nội dung đưa ra bàn hôm nay là bước chuẩn bị quan trọng cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thời gian tới. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự thảo Luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, đồng thời có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng.
Thủ tướng đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn với tinh thần xây dựng cao của các đồng chí Thành viên Chính phủ và đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật theo quy định.
Thủ tướng cho biết, trong 12 tháng năm 2023, chúng ta đã nỗ lực đầu tư công sức xứng tầm và làm được nhiều việc cho đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế. Tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với gần 50 nội dung trong đó có 23 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; 14 dự án luật; tiếp thu ý kiến Quốc hội, UBTVQH đối với 03 dự án luật và 9 nội dung khác. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 120 văn bản quy phạm gồm 87 nghị định, 33 quyết định quy phạm; tổ chức rà soát khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101 của Quốc hội góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển KTXH, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.
Thời gian tới, đối với văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành quyết liệt thực hiện chương trình công tác về xây dựng pháp luật còn lại của năm 2023; khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn nợ đọng, những văn bản có hiệu lực từ 01/01/2024.
Về các nhiệm vụ phục vụ Kỳ họp bất thường thứ 5, Kỳ họp thứ 7 năm 2024 Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các hồ sơ tài liệu và tiếp thu ý kiến của UBTVQH; hoàn thiện các các dự án luật nhất là đối với dự án Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các nội dung khác trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng. Những vấn đề vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 Thủ tướng đề nghị, đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện. Việc sửa đổi phải đổi mới, đơn giản hóa quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng pháp luật…
Về xây dựng, trình sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ Thủ tướng Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; làm rõ cơ chế xử lý, quyết định những vấn đề lớn, có ý kiến khác nhau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Chính phủ...
Về chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, đề xuất.
Tiếp tục đổi mới và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Trong đó tập trung: Tăng cường vai trò người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình dự án, dự thảo văn bản QPPL; Tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình mới; Đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác thể chế; Bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.
Theo VOV