Sóc Trăng: Phát triển vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu
Trong những năm qua, các sản phẩm nông sản của tỉnh Sóc Trăng không những chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những điều quan trọng mà mỗi đơn vị xuất khẩu nông sản thực hiện là xây dựng vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số theo tiêu chuẩn. Theo đó, để trái cây của tỉnh Sóc Trăng được "xuất ngoại" thành công, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã chú trọng việc xây dựng, phát triển vùng trồng cây ăn trái nhằm hướng vào những thị trường xuất khẩu khắt khe. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã có 94 mã vùng trồng do ngành Nông nghiệp quản lý, điều này đã giúp cho nông sản của tỉnh xuất khẩu thuận lợi hơn so với trước đây.
Ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra các vùng trồng đã được cấp mã số; Xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất; Quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây ăn trái, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của từng vùng, bảo đảm tính ổn định, bền vững, lâu dài.
Đồng thời, xử lý trái cây rải vụ, để đảm bảo đáp ứng liên tục, thường xuyên của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đảm bảo cung cấp sản lượng ổn định tại các siêu thị; Xây dựng thêm nhiều mã vùng trồng và có chế độ khai thác, quản lý mã vùng trồng theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã cho tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng trồng và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân, theo hướng an toàn và đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Nhờ đó, tỉnh đã phát triển được diện tích sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, với hơn 434ha và sản xuất theo hướng hữu cơ là 6.283ha. Cùng với đó, số lượng hợp tác xã tăng lên từng năm và chất lượng cũng tăng lên, với 44 hợp tác xã sản xuất cây ăn trái các loại. Các loại nông sản được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu có diện tích hơn 580ha gồm các loại cây như: Vú sữa (25 mã số vùng trồng); nhãn (17 mã số vùng trồng); xoài (32 mã số vùng trồng), bưởi (17 mã số vùng trồng), sầu riêng (3 mã số vùng trồng). Hiện tại, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang gửi hồ sơ đề nghị xem xét, cấp 4 mã số vùng trồng dừa với diện tích hơn 182ha trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi