Diễn đàn

Tổ hội nghề nghiệp “5 cùng” giúp hội viên làm giàu

13:57 06/06/2021 GMT+7

“Ở Thanh Lương hiện nay phong trào nuôi bò BBB (3B – là giống bò chuyên dụng để lấy thịt cao sản có nguồn gốc từ Bỉ) lan rộng lắm, cũng nhờ nuôi bò 3B mà kinh tế gia đình tôi khá lên nhiều, không còn phải nghĩ đến chuyện làm gì đề kiếm tiền sinh sống, nay cứ ở nhà làm vườn và chăm bò”, ông Nguyễn Sỹ Nam – thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò 3B xã Thanh Lương (Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ.

Anh Hồ Sỹ Đức – Tổ trưởng tổ hội chăn nuôi bò 3B có thu nhập lãi ròng cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi bò.

Hội ND là “bà đỡ” từ khâu xúc tiến thành lập Tổ hội nghề nghiệp…

Nhận thấy việc xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp chính là chỗ dựa tin cậy cho hội viên nông dân, là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay nhằm hướng người dân đến sản xuất liên kết theo chuỗi, tạo ra các vùng hàng hóa tập trung có tính chuyên nghiệp nên các cấp Hội ND đang ngày một tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, vì nông dân.

Với mục đích đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân (ND) thuộc cùng một lĩnh vực sản xuất và tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên để phản ánh với các cấp có thẩm quyền; Thảo luận và xây dựng kế hoạch về cách thức tổ chức hoạt động, xây dựng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp hội viên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định… Trên cơ sở hướng dẫn của Hội ND các cấp, Hội ND xã Thanh Lương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò BBB (3B), địa điểm sinh hoạt hàng tuần tại Nhà văn hóa xóm Chùa, có 23 hộ tham gia với tổng đàn hơn 500 con bò 3B thương phẩm hoạt động theo quy chế được phê duyệt và các thành viên trong tổ thống nhất bầu anh Hồ Sỹ Đức làm tổ trưởng và bà Nguyễn Thị Oanh làm tổ phó. Tổ hội nghề nghiệp này được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản kết hợp nguyên tắc tập trung dân chủ với các tiêu chí “5 cùng” như: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Để Tổ hội chăn nuôi bò 3B đạt hiệu quả hơn, Hội ND xã đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng, cách xây dựng chuồng trại, thời điểm quan trọng để vỗ béo… Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức tham quan, học tập nhằm nâng cao kiến thức trong chăn nuôi.

Theo ông Quý – thành viên của Tổ hội nghề nghiệp chia sẻ: “Việc chăn nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng, ăn uống tốt nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ. Khu vực chuồng nuôi luôn thoáng mát về mùa Hè và tránh gió về mùa đông lạnh. Chuồng luôn thông thoáng, khoảng cách giữa các chuồng có độ dãn và nền chuồng phải cao ráo so với nền đất xung quanh để chuồng sạch sẽ và tránh vi khuẩn gây bệnh xung quanh chuồng. Nuôi bò 3B cứ nhốt trong chuồng không cần phải cho ra ngoài nhiều mà chỉ cần cho ăn đều đặn là được. Nó là giống bò ăn tạp, với khẩu phần ăn đa dạng và phong phú lại mau lớn và đạt chất lượng cao nhất trong các loại bò đang được chăn nuôi khác, có khả năng chống chọi với thời tiết vô cùng lớn. Nói chung nuôi loại bò này khỏe hơn hẳn”.

Trang trại bò 3B tới 250 con của ông Nguyễn Sỹ Nam.

… đến kết nối đầu ra sản phẩm cho các thành viên

Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp dựa trên nguyên tắc “5 cùng” là một trong những thế mạnh để giúp các tổ hội phát triển bền vững theo thời gian. Có thể nói, tổ hội được hình thành trên cơ sở các hội viên có cùng chung mục đích phát triển một loại cây, con nhất định mà tại đó nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Vì thế, nông nghiệp trên địa bàn xã Thanh Lương từng bước dịch chuyển sang những cây, con phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp của xã.

Năm 2018 giống bò 3B có mặt đầu tiên trên mảnh đất Thanh Lương, sau quá trình nuôi thấy thuận lợi nên người dân trong xã bắt đầu tìm hiểu về giống bò và cách chăm sóc chúng. Từ mong muốn của người dân và những lần đi tham quan, anh Nguyễn Trọng Thắng – Chủ tịch Hội ND xã đã học hỏi được kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi những con bò giống mới – vốn còn rất lạ lẫm với bà con nông dân.

Hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con và nhận định điều kiện để phát triển giống bò này rất phù hợp trên địa bàn xã nên anh Thắng đã xin chủ trương cho thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò 3B với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng giải quyết khó khăn và hỗ trợ nhau. Đồng thời, lãnh đạo Hội ND cũng là nơi kết nối đầu ra sản phẩm cho các thành viên trong tổ hội.

Anh chia sẻ: “Hiện nay trong tổ hội có nhiều hộ nuôi từ 5 – 6 con, riêng hộ ông Nguyễn Sỹ Nam có lợi thế về diện tích và nguồn vốn nên đã đầu tư chăn nuôi tới 250 con. Các hộ chăn nuôi không phải lo đầu ra vì đã có Hội ND xã liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thịt bò ở huyện Nghi Lộc và Nam Đàn đến thu mua, hoặc kết nối với các xưởng sản xuất giò me (một đặc sản ẩm thực của Nghệ An) ở Nam Nghĩa để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hơn nữa, xã có diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả nên người dân chuyển sang trồng cỏ sữa và có 150 ha bãi bồi phù sa trồng ngô để chăn nuôi. Một lợi thế nữa cho người chăn nuôi bò tại địa phương là xã mỗi tháng có 9 phiên chợ mua bán trâu bò nên rất thuận lợi trong việc mua bán của người dân”.

Anh Hồ Sỹ Đức – Tổ trưởng tổ hội cho biết: “Bò được nuôi nhốt trong chuồng thoáng mát, mỗi con một ô, hàng ngày cho ăn 3 lần, hoặc ăn theo nhu cầu. Thức ăn là cám chăn nuôi và cỏ sữa, phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi con bò khi xuất bán có trọng lượng đạt khoảng 800kg, giá bán từ 95 – 100.000 đồng/kg. Nuôi bò 3B không phải chăn thả như bò địa phương, lại có sức đề kháng cao, không bị dịch bệnh, mỗi con bò khi mua về nuôi khoảng 6 tháng tuổi có giá 24 triệu đồng, sau 8 – 10 tháng nuôi bán từ 60 – 65 triệu đồng/con, người nuôi bò 3B lãi bình quân từ 2 – 3 triệu đồng/tháng mỗi con”.

Trong những năm gần đây, nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội ND huyện Thanh Chương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn các mô hình sản xuất trên tất cả các lĩnh vực và định hướng phát triển bền vững cho hội viên nông dân như: Mô hình nuôi ốc bươu đen, bưởi da xanh, gà đồi, nuôi ong lấy mật… theo hướng hàng hóa và trong năm 2021 đã xây dựng thành công mô hình nuôi bò 3B.

Bài, ảnh: Bùi Ánh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác