Nông nghiệp

TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp dài hạn cho nông nghiệp công nghệ cao

Ái Vân - 08:30 07/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthomoi.vn) Ngày 6/10, tại TP. Hồ chí Minh (HCM), Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM phối hợp Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, từ những thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.

Hiện nay, nông nghiệp TP. HCM được định hướng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Trải qua quá trình phát triển gần 20 năm, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đã đạt được rất nhiều những thành công, khẳng định được vị thế trong nền nông nghiệp của nước nhà.

Nông nghiệp công nghệ cao của thành phố hiện đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển và tiếp tục khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, thành phố có khoảng 699 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm hơn 0,32% trong tổng số khoảng 216.637 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.


Các đại biểu tham dự Hội  thảo. Ảnh: Ái Vân

Trong số này, có hai doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. TP. HCM có hơn 60 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM cho biết: Nông thôn của thành phố tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Trong thời gian tới, nếu không có phương pháp quản lý và các chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố.

Hiện nay, sản lượng rau sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng nhu cầu 40% của thị trường, các sản phẩm khác chỉ cung ứng được trên dưới 10%. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp tại thành phố đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm và đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 70% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM. Ảnh: Ái Vân

Tiến sĩ Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM cho biết: Thành phố đã xác định tầm nhìn chiến lược về ngành nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, thành phố đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao...

Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố cũng đối mặt với những thách thức như chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế nhất định nếu so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng hóa lớn.

Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước nói chung và thành phố nói riêng với các chuỗi cung ứng chưa tốt; chưa hình thành được đầy đủ các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đủ lớn và đủ mạnh cho các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố.

Những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản, nguồn gốc xuất xứ, các rào cản kỹ thuật tạo nên những thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hệ thống chính sách, giải pháp về phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng ban hành nhiều nhưng vẫn còn những bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả, người sản xuất khó tiếp cận, nhất là chính sách về hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác.

Lan cấy mô là một trong những sản phẩm công nghệ cao của thành phố. Ảnh: Ái Vân

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo Trang, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chia sẻ: Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng khi rà soát tổng thể, vẫn còn nhiều khía cạnh, lĩnh vực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa có cơ chế, chính sách phù hợp. Để có thể tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, việc hoàn thiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một bước quan trọng.

Trong đó, Thành phố cần xây dựng một khung pháp luật và quy định rõ ràng về việc áp dụng, phát triển và quản lý nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực; khuyến khích nghiên cứu và phát triển; khuyến khích hợp tác công tư; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung vào các nhóm vấn đề: Thống nhất chủ trương, hoàn thiện chính sách; quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm nông sản công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác