Nông nghiệp

Trồng chanh leo ứng dụng công nghệ cao thu bạc tỷ

07:12 08/10/2021 GMT+7

Tình cờ được biết đến giống chanh leo ngọt, ông Nguyễn Hữu Công (62 tuổi, tại xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đã ươm giống và tạo dựng vườn chanh leo bạc tỷ. Điều đặc biệt trong trang trại của lão nông này là được vận hành tự động chỉ bằng chiếc điện thoại. Kênh bán hàng của ông cũng tận dụng tối đa hình thức online giúp sản phẩm giới thiệu rộng rãi trên thị trường.

Ông Sáu Công giới thiệu những trái chanh leo sắp thu hoạch.

Sáng tạo từ công nghệ

Ông Nguyễn Hữu Công (thường gọi là Sáu Công) cho biết, trong những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tại các địa phương vùng ven biển của các huyện như Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Bởi vậy, ông luôn trăn trở tìm tòi những cây trồng phù hợp và áp dụng phương pháp canh tác hiện đại để tiết kiệm nước tưới và nhân công.

Trước khi trồng chanh dây ông Sáu Công có nhiều năm trồng cam, chanh, quýt, bưởi. Một lần xem thông tin trên mạng, thấy quảng cáo giống chanh leo ngọt có nguồn gốc từ Colombia, ăn vào có lợi cho sức khỏe nên ông tìm mua 10 hạt giống về trồng. “Trong 10 hạt giống được ươm, có 5 hạt nảy mầm và chỉ 2 dây cho trái, trong đó một dây cho trái ngọt. Sau khi thưởng thức mùi vị đặc trưng của trái chanh ngọt, tôi mừng như trúng số”, ông Sáu Công kể.

Qua một thời gian chăm sóc, ông Công nhận thấy giống chanh này tuy cho trái ngọt nhưng lại không thích hợp với vùng nước mặn và đất nhiễm phèn nên cây cằn cỗi, trái ít, mau tàn. Là người năng động, yêu thích khoa học, yêu nghề vườn, ông quyết tâm tìm cách khắc phục cho chanh phát triển ở vùng nước mặn. Sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, ông quyết định chọn gốc lạc tiên – loại cây sống rất khỏe ở vùng nước mặn và lợ, thử ghép chung với dây chanh. Không ngờ lần thí nghiệm đó thành công và đạt kết quả như mong muốn.

Ươm tạo thành công giống cây mới, ông Công tìm hiểu phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ông chia sẻ: Là nông dân nên việc tìm hiểu công nghệ cũng mất khá nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, tìm hiểu cách thức lắp dựng, rồi chuyển sang học tập sử dụng thành thạo internet, smartphone. Tôi tiến hành phác thảo sơ đồ, rồi bắt tay vào thiết kế hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh. Hệ thống gồm máy bơm điện, đường ống nhựa cách nhau 4m có 1 vòi phun, công tắc IP điều kiển wifi từ xa, 1 điện thoại thông minh có kết nối mạng wifi, 4G. Thời gian triển khai lắp đặt hệ thống khoảng 2 ngày, chi phí 5,8 triệu đồng/1.000m2.

Theo ông Sáu Công, điểm độc đáo nhất của hệ thống là có thể chủ động tưới nước cho vườn cây ở mọi lúc mọi nơi. Ông có thể điều khiển việc tưới cây bằng điện thoại thông minh thông qua kết nối công tắc IP được lắp trong nhà có kết nối wifi với phần mềm điều khiển cài trên điện thoại di động. Khi muốn tưới cho vườn cây, dù đang ở đâu hay đang ăn cơm, uống cà phê, chỉ cần thao tác trên điện thoại để điều khiển hệ thống phun nước.

Từ khi thực hiện hệ thống này, chi phí sản xuất đã giảm đi đáng kể. Nếu như trước đây để tưới cho 3.500m2 vườn của gia đình, 1 người phải mất 10 giờ thì nay có hệ thống tưới chỉ còn 10 phút. Về chi phí tưới nước cũng giảm rất đáng kể, trong khi tiền điện tiêu thụ để vận hành hệ thống này cứ mỗi tháng chỉ tiêu tốn 22.500 đồng tiền điện phục vụ tưới tiêu.

“Việc ứng dụng mô hình này còn khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn, tiết kiệm lượng nước tưới. Ngoài ra, hệ thống dễ làm có thể tùy chỉnh, cải tiến theo nhu cầu của từng hộ gia đình, giá thành đầu tư cho hệ thống không cao, tuổi thọ có thể đạt 20 năm nếu thiết kế đúng quy cách. Mô hình của tôi có thể nhân rộng ra nhiều nơi và áp dụng cho nhiều loại cây trồng khác nhau”- ông Sáu Công nói.

Ông Sáu Công (người cầm cây giống) giới thiệu chanh dây ngọt ghép gốc lạc tiên.

Bán chanh leo trên không gian mạng

Không chỉ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ông Nguyễn Hữu Công cũng năng động tìm tòi và phát triển các hình thức bán hàng online và đem lại hiệu quả cao. Thay vì mang ra chợ, hay gọi thương lái đến nhà để bán cây giống và chanh thương phẩm, thì ông đã tận dụng tối đa hình thức kinh doanh bán hàng trên mạng. Trên mạng xã hội, ông tự xây dựng 1 trang Zalo cá nhân và trang Facebook “Chanh leo ngọt Sáu Công” để quảng bá, giới thiệu về chanh leo ngọt.

“Trên trang cá nhân của mình, tôi đăng bài viết giới thiệu về kỹ thuật trồng chanh leo ngọt, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh sản phẩm, các bài viết của khách hàng, các bài viết từ các báo, đài… Để bài của mình được gây sự chú ý của đọc giả, tôi luôn thiết kế hình ảnh sinh động, phong phú; “chăm sóc” bài và trả lời khách hàng thường xuyên. Ngoài ra, mô hình của tôi còn được quay video clip và đăng tải trên các trang youtube, đài truyền hình các tỉnh trên cả nước với hàng triệu lượt xem” – ông Sáu Công nói.

“Vào thời đại công nghiệp 4.0 chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet, việc mua bán sản phẩm chanh leo ngọt tôi có thể giao hàng đến được tận cửa nhà khách hàng. Ưu điểm của bán nông sản online là không bị giới hạn về diện tích hay thời gian, Tôi có thể đăng bài bán hàng 24/7 mà không tốn tiền thuê cửa hàng” – ông Sáu Công cho biết thêm.

Để tăng thêm uy tín, chất lượng sản phẩm, đến vụ thu hoạch, ông Sáu Công trực tiếp livestream bán các sản phẩm của mình trên trang Facebook. Khách hàng khắp nơi trên cả nước đặt hàng, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán hết. Họ mua hàng vì tin tưởng vào nguồn gốc, thấy được quá trình cách chăm sóc, trồng trọt của ông. Nên có những vụ dù còn cả tháng nữa sản phẩm mới được thu hoạch nhưng khách đã đặt hàng mua hết cả vườn. Từ hiệu quả của mô hình, bình quân hàng năm gia đình ông thu nhập ổn định từ 350 triệu đến 450 triệu đồng, giúp cho 5 lao động có việc làm thường xuyên, 10 lao động làm việc theo thời vụ và có thu nhập trung bình từ 200 – 300 ngàn đồng/người/ngày.

Ông Trần Hữu Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Song Phụng cho biết: Ông Sáu Công là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; từng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Sáu Công vừa mới lạ vừa cho năng suất cao, đầu ra ổn định, cây giống dồi dào. Hướng tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ ông làm thủ tục xin giấy chứng nhận về nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình trồng chanh leo ngọt mở rộng, góp phần nâng cao đời sống nông dân địa phương.

“Chỉ cần chúng tôi phát huy tốt tính cần cù, chịu khó học hỏi, năng động, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết giúp nhau cùng làm giàu thì tôi tin chắc là nông dân chúng tôi sẽ nhanh chóng bước ra khỏi thời kỳ sản xuất nông nghiệp với những công cụ thô sơ, lạc hậu mà thay vào đó là máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp thời kỳ công nghiệp 4.0”.
Ông Nguyễn Hữu Công.

Huỳnh Thi

Tin cùng chuyên mục
Tin khác