Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – Dấu chân Anh hùng”
Dự chương trình có ông: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An; ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; ông Bùi Quang Huy - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 4, các tỉnh, thành phố, nhà tài trợ…
Cùng dự có các thân nhân, người thờ phụng 13 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn ngày 31/10/1968 và các nhân chứng lịch sử và cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất.
Đoạn Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn khoảng 5 km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, đã hứng chịu gần 2.700 quả bom các loại của giặc Mỹ. Từ năm 1964-1968, địch đã trút xuống mảnh đất anh hùng này gần 19.000 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, thuộc huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành Giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày 31/10/1968, khoảng 6 giờ 10 phút, máy bay địch điên cuồng trút những trận bom xuống Truông Bồn. Trận bom tàn khốc đó đã cướp đi sinh mạng của 13 chiến sĩ, ngay trước khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom ở miền Bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968.
Kể từ đó, địa danh Truông Bồn và sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, đại diện tiêu biểu cho 4,3 vạn thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An và hàng chục vạn thanh niên xung phong trong cả nước đã cống hiến tuổi thanh xuân và máu xương cho hòa bình và thống nhất đất nước; những hy sinh của các anh, chị trở thành một dấu son đáng nhớ, một huyền thoại về ý chí bất khuất, kiên cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc tại Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – Dấu chân Anh hùng”, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc trước anh linh của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 nói riêng và các anh hùng liệt sĩ nói chung “Chúng ta đang có mặt ở đây để cùng làm sáng lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng lên chủ nghĩa yêu nước, đã làm cho dân tộc ta trở nên bất diệt”.
“Truông Bồn là một biểu tượng sáng ngời Xô viết của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, điều đặc biệt ở Truông Bồn là cái Anh hùng Cao cả, cái Đẹp đã hòa quyện trong mỗi con người, trong một hành động, khi chỉ vài giây phút nữa là hòa bình; chỉ vài giây phút nữa là cuộc sống giảng đường với tương lai tươi sáng, là đám cưới với hạnh phúc trăm năm nhưng con người đã lựa chọn hi sinh để hạnh phúc ấy, tương lai tươi sáng ấy đến sớm với mọi người”.
Thông qua chương trình "Truông Bồn - Dấu chân Anh hùng" nhằm ôn lại truyền thống một thời hào hùng của cả đất nước nói chung, của tọa độ lửa Truông Bồn nói riêng, góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy một địa danh lịch sử cho các thế hệ mai sau.
Phát biểu tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn, tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng: “hy sinh lớn lao của những người con dũng cảm ấy đã góp dòng máu đỏ, hiến dâng tuổi trẻ của mình vào những chiến công của quân và dân Nghệ An, vào chiến thắng của dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước. Những cái tên, những gương mặt của tuổi thanh xuân ấy đã hóa thân vào lịch sử, sẽ mãi mãi được đời sau tri ân, ghi nhớ”.
Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Truông Bồn mưa bom, bão lửa năm xưa đã hồi sinh và vươn mình đứng dậy, kiêu hãnh và rất đỗi tự hào. Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương và hoạt động nhằm tôn vinh chiến công oanh liệt, tri ân sự hy sinh của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong, bộ đội, dân công nơi tọa độ lửa Truông Bồn ấy. Lịch sử vẻ vang nơi chiến trường xưa ác liệt và những tấm gương quả cảm, kiên cường của những người con vùng đất này đã luôn được khắc ghi. Khu Di tích Truông Bồn Nghệ An trở thành điểm đến quan trọng của nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, du lịch; là địa chỉ đỏ bồi đắp lòng yêu nước, thắp sáng tinh thần chiến đấu, chiến thắng và hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn luôn hiện diện trong đời sống hôm nay, Di tích Truông Bồn và nhiều địa danh thiêng liêng khác trên khắp đất nước, nhất là những ngọn lửa hun đúc tinh thần không lùi bước, vượt qua mọi gian nguy, thử thách đưa đất nước vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời và ước vọng của toàn thể dân tộc ta. Chính vì thế, các di tích lịch sử thật sự là địa chỉ giáo dục truyền thống đặc biệt, là những biểu tượng đặc sắc về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng Việt Nam, là những đôi cánh để nâng bước ta đi, để chúng ta sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại và của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc để chúng ta xứng đáng hơn, sống sáng hơn, đẹp hơn cùng đất nước”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đã biểu dương, đánh giá cao các thành tựu toàn diện về kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đạt được trong những năm qua, trong đó có công tác chăm sóc người có công, quan tâm xây dựng địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngày hôm nay. Đồng chí mong muốn các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng được triển khai sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục đón nhận sự đồng hành thiết thực của toàn xã hội. Đồng thời cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng.
Dịp này, với tấm lòng tri ân sâu sắc, Ban tổ chức chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – Dấu chân Anh hùng” đã tặng 14 sổ tiết kiệm tới thân nhân 13 liệt sĩ và bà Trần Thị Thông - nhân chứng lịch sử. Để chung tay cùng tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, Báo Nhân Dân cùng với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng tỉnh 50 căn nhà tình nghĩa, trị giá 2,5 tỷ đồng; Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cựu thanh niên xung phong và thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Nghệ An 300 triệu đồng.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025