Công tác Hội

Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Nhiều đóng góp sát với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nông dân

Hải Quỳnh - 07:01 08/03/2023 GMT+7
(Tapchinongtonmoi.vn) Chiều ngày 7/3, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN; đồng chí Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Cùng dự Hội nghị ở điểm cầu trung tâm tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có các đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQVN; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đại diện Thường trực Hội ND 10 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu

Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố gồm đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Thường trực, Ban Thường vụ Hội ND các tỉnh, thành phố; đại diện Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã và hội viên nông dân tại địa phương.

Đất đai - tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với nông dân

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170 ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 30/01/2023 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 552 về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở và hội viên nông dân. Đến nay, Hội ND nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân; trong đó nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)…

Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật rất quan trọng, có thể coi là đạo luật gốc, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), T.Ư Hội NDVN đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu chỉnh sửa bổ sung. Hội NDVN đánh giá rất cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và chất lượng của Dự thảo Luật được đưa lấy ý kiến rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.

Về cơ bản, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kế thừa Luật Đất đai 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; cũng như các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và thực tiễn thi hành Luật ất đai năm 2013 trong thời gian qua.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết: Đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, nông dân là lực lượng chủ yếu với tư liệu sản xuất chính là đất đai đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực vươn lên trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác với hàng hóa nông sản có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa nông nghiệp phát triển trở thành trụ đỡ của nền kinh tế (đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng về tài chính, khó khăn do đại dịch).

Việc nông dân tích cực tham gia chuyển đổi, tập trung đất đai, hợp tác, liên kết trong sản xuất đã góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao từng bước phát triển, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, làm thay đổi và tạo ra phương thức sản xuất mới (nông nghiệp chính xác, thông minh...), thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập bình quân chung toàn xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị tác động ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện; đồng thời một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội (như thiếu việc làm, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...); đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Như vậy có thể thấy, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động rất lớn và trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân trong cả nước, cần có sự tham gia góp ý của giai cấp Nông dân mà Hội NDVN là tổ chức đại diện. 

Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống ở nông thôn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả của Trung ương Hội NDVN và các cấp Hội ND cả nước trong lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân sống ở nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 60% dân số cả nước) đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Luật Đất đai có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các đoàn kiểm tra công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở các địa phương trên cả nước. Kết quả cho thấy cách thức tổ chức bài bản, khoa học, thiết thực, tập trung trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. Hoạt động lấy ý kiến dự thảo Luật lần này là thước đo đánh giá năng lực của Chính phủ, Quốc hội thực hiện thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đây là yêu cầu hết sức nghiêm túc, cụ thể. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến lần này là kết quả, sản phẩm đóng góp trí tuệ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn của các bộ, ban, ngành, ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đánh giá hội nghị đã được chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng; đồng thời, mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống ở nông thôn, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đi kèm với đó là chuyển dịch về lực lượng lao động, chuyển dịch về tài nguyên đất đai. Cụ thể là các nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân… được thiết kế trong dự thảo Luật.

"Mục tiêu là bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân khu vực nông thôn và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đối với vấn đề tập trung đất đai, Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật quy định theo hướng tăng hạn mức tập trung đất đai theo nhiều hình thức khác nhau nhưng hạn chế chuyển nhượng chuyển quyền sử dụng đất nhằm theo kịp, phù hợp với mức độ chuyển đổi lực lượng sản xuất. Theo Phó Thủ tướng, "đây là vấn đề cần lấy ý kiến của bà con nông dân, Hội ND các cấp".

Tập trung thảo luận 4 vấn đề trọng tâm

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận vào 4 vấn đề liên quan đến: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội ND các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội phát biểu.

 Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội nêu thực tế, thời gian qua nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh... Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần qui định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.  Để tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, đề nghị không quyết định hạn mức bằng 15 lần giao đất mà theo nhu cầu, dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, co những vấn đề lớn cần nghiên cứu để điều chỉnh, thứ nhất, bổ sung sửa đổi Luật Đất đai lần này là cơ hội quan trọng, nhằm bảo đảm công bằng lợi ích các nhà đầu tư và nông dân, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đất đai; đồng thời thiết lập cái “đai” đủ mạnh cho 3 khu vực: khu vực nghiêm ngặt; khu vực hạn chế; khu vực chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thứ hai, đối xử công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất rất quan trọng đối với tăng trưởng nông nghiệp, đó là quyền thực sự của người nông dân giữ vai trò chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Ninh cho rằng Điều 51 Luật Đát đai (sửa đổi): "Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ”,  thì "chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện" là chưa hợp lý. Ông đề nghị cần xem xét, điều chỉnh lại quy định này, bởi vì nội dung quy định đối tượng chuyển nhượng sẽ làm hạn chế nhu cầu sử dụng đất đối với những người là người ngoài địa phương có nhu cầu, khả năng đầu tư khai thác quỹ đất, nhất là người có nhu cầu tập trung, tích tụ ruộng đất để thực hiện các loại hình sản xuất có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao (trong khi đó các địa phương đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tích tụ ruộng đất...). Quy định này gây ra nguy cơ có khả năng hoang hóa, bỏ hoang đất do cơ cấu dịch chuyển nhóm lao động từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ như hiện nay.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Ninh phát biểu

GS.TS Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm. Đây là điểm mới đáng chú ý nhất để hạn chế các vấn đề phát sinh khiếu nại, khiếu kiện trong công tác thu hồi đất thời gian qua giá đất xây dựng không theo kịp gia thị trường.

GS.TS Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng bổ sung và phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất UBND cấp huyện. Tại Khoản 2 Điều 155 quy định “UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện”. Quy định này là phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành các quy định giao đất, thuê đất, thu hồi đất, đồng thời để UBND cấp huyện chủ động hơn trong việc xác định giá đất cụ thể góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, tham gia đóng góp ý kiến tại điểm Hội ND Hà Tĩnh.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, ở Điều 176 về đất trồng lúa, tại Khoản 1 nên sửa đổi bổ sung:  Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên. Vì đất trồng lúa 1 vụ trở lên cũng nên quy vào là đất trồng lúa để hạn chế việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác. Khi có điều kiện có thể cải tạo để trồng 2 vụ lúa hoặc 1 vụ cá, 1 vụ lúa. Mặt khác cũng cần bổ sung thêm nội dung quy định xử lý việc người được giao đất trồng lúa nhưng bỏ hoang, không sử dụng trong khoảng thời gian nhất định...

Ông Hoàng Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch Hội ND Ninh Bình trong Điều 166. Đất sử dụng có thời hạn Tại khoản 5 quy định: “Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm”. Thực tế áp dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích đất công ích (hay còn gọi là đất %) nếu chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 173 dự thảo Luật thì UBND cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm và khi thu hồi thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại, như: Chi phí san lấp mặt bằng; cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh...

Ông Hoàng Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch Hội ND Ninh Bình phát biểu

Như vậy với quy định thời gian cho thuê ngắn (5 năm) cùng với việc bồi thường chi phí đầu tư chưa tương xứng đã hạn chế sự đầu tư của người có nhu cầu sử dụng (vì chưa kịp thu lợi thì đã hết thời gian thuê đất gây lãng phí nguồn đất công), đề nghị xem xét tăng thời gian cho thuê quỹ đất công ích lên 10 năm (hoặc xem xét thời gian cho thuê trong hợp đồng giao khoán căn cứ vào mục đích sử dụng đất của bên được giao khoán) trong trường hợp xem xét mục đích sử dụng khi cho thuê đất cần định khung thời gian đối với các nhóm ngành nghề tư, kinh doanh).

Tại Hội nghị đã có 16 ý kiến phát biểu trong đó có 8 ý kiến phát biểu tại điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh ,thành phố, đa số các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; cơ chế xác định giá đất; về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp... là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, sinh kế của nông dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân.  Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ bằng được những khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia vào dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về dự án Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp…..

Bên cạnh đó, Hội cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật này, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; để bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng dự thảo Luật dự kiến thông qua 3 kỳ họp Quốc hội.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã gửi lời cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; rất nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, canh tác và đời sống của người nông dân.

 "Các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác