Biển xâm thực “ăn” nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Nghi Xuân
Dọc bờ biển thuộc các thôn Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy, xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) đang có nhiều đợt sóng đánh mạnh vào bờ, nước cuộn chảy vào rừng phòng hộ rộng hơn 10ha. Biển xâm thực vào đất liền khoảng 50m. Hiện có hàng chục vị trí hở hàm ếch, chờ sập mỗi khi sóng lớn.
Sóng biển đánh mạnh khiến hàng chục cây phi lao và dứa dại trồng trước đê Hội Thống bị xói lở, bật gốc, đổ ngã ngổn ngang, mặc dù phi lao ở đây cao đến 7 - 10 m, đường kính gốc to đến 20-30 cm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ngoài rừng phòng hộ bị đe dọa, bờ biển bị xâm thực cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đê Hội Thống dài gần 18km. Tuyến đê này đóng vai trò bảo vệ cho hơn 22.000 người dân và gần 4.000ha đất tự nhiên các xã ven biển Xuân Hội, Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Hải cùng một số vùng phụ cận.
Rừng phòng hộ ven biển ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân có tác dụng trong việc bảo vệ đê điều, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân thôn Tân Ninh Châu và Hội Tiến sống dọc tuyến bờ biển dài khoảng 2,5km. Tuy nhiên gần đây, biển đang xâm thực mạnh và “nuốt” dần rừng phòng hộ, khiến môi trường và cảnh quan thay đổi.
Điều đáng quan tâm nhất là an toàn của nhiều hộ dân sống gần khu vực sẽ không được đảm bảo nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn vào mỗi lúc triều cường kèm theo sóng lớn, hoặc khi mưa bão kéo về.
Trong tâm trạng lo lắng, bất an, Ông Phan Văn Minh, trú tại thôn Tân Ninh Châu cho biết, nhiều năm về trước, bờ biển cách mép sóng 50-60m, nhưng gần đây chỉ còn cách 25-30m. “Nếu tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra với cường độ như này, rừng phi lao chắn sóng có nguy cơ bị xóa sổ, nhà của hàng trăm hộ dân trong vùng sẽ bị đe dọa. Rất mong chính quyền sớm xây kè chắn sóng để mọi người yên tâm".
Tình trạng biển xâm thực mạnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu không có cách khắc phục, người dân địa phương lo lắng cánh rừng phi lao phòng hộ sẽ bị sóng “nuốt chửng” và tiếp tục đe dọa đến sự an toàn của tuyến đê chắn sóng.
Ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết thêm, tình trạng biển xâm thực diễn ra từ năm 2020 đến nay. Toàn xã có khoảng 5km bờ biển bao quanh thì nay hơn 2,5 km trải qua 3 thôn từ Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy đang bị nước biển khoét sâu. Đặc biệt thời gian gần đây, sóng to gió lớn khiến việc sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn.
“Việc biển xâm thực mạnh khiến rừng cây phi lao phòng hộ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ và ảnh hưởng tuyến đê bên trong. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, để đưa ra các phương án nhằm ứng phó trước mắt cũng như lâu dài” - ông Trịnh Quang Luật nói.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica