Bổ sung 2 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Tại phiên họp thứ 21 sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật là: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Cân nhắc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi
Trước đó, báo cáo tóm tắt về đề nghị xây dựng 2 dự án này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách.
Cụ thể, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.
Bên cạnh đó, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Ngoài ra, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng, cả 4 chính sách được đề xuất cơ bản chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến thẻ Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, không phải sửa đổi tổng thể, toàn diện các chính sách lớn của Luật. Do đó, đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi sửa đổi là toàn diện hay là sửa đổi, bổ sung một số điều.
Về chính sách bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Lý do là ở độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác.
Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự. Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí. Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật Căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ Căn cước, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.
Xử lý triệt để sở hữu chéo
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách gồm: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân. Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; quy định về xử lý nợ xấu; quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Theo báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan nhận thấy, 6 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi.
Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên trong và bên ngoài. Yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi này phải quy định rất minh bạch để xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng, hiện còn rất rủi ro cho hệ thống.
Vấn đề quan trọng nữa là việc xử lý nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở khoản nợ xấu. "Các khoản dự thu này xấu hơn cả nợ xấu, anh cho vay nhưng có thu về được đâu mà vẫn tính lãi đưa vào thu nhập rồi chia cổ tức, lần này có xử lý được không," Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Các vấn đề khác cũng cần phải đánh giá kỹ ở lần sửa đổi này được Chủ tịch Quốc hội đề cập như trích lập dự phòng, xử lý tài sản bảo đảm trong điều kiện bình thường.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp tháng 4/2023. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo chương trình, trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân./.
Theo TTXVN/Vietnam+