Các cơ quan báo chí cần xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng đáp ứng yêu cầu mới
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo các thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng. Công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Báo chí đã nêu bật được những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu.
Song song đó, công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh.
Các tiêu chí nhận diện"báo hóa" tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, công khai, giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại. Công tác xử lý dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội nghị đã làm rõ được những thành tựu, nét nổi bật, những tồn tại, thách thức trong công tác báo chí hiện nay. Nhiều ý kiến tham luận đã chỉ rõ các yêu cầu đổi mới công tác báo chí, như chia sẻ các kinh nghiệm, bài học rút ra, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2025), các cơ quan báo chí bên cạnh các hoạt động kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, cần có các chương trình hành động, đề ra những giải pháp, phương án đổi mới, xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng đáp ứng yêu cầu mới.
Các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cần đẩy mạnh quy hoạch báo chí, xuất bản, chuyển đổi số, xây dựng tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác báo chí, tạo điều kiện để phát triển báo chí đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo chí cần được chú trọng, nhất là tập trung rà soát công tác đào tạo báo chí. Các nguồn lực để xây dựng, phát triển báo chí cách mạng cần được chuẩn bị mang tính toàn diện, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực tiếp cận các công nghệ làm báo hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xu hướng tiếp cận thông tin của độc giả, thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam...
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức trao tặng bằng khen cho 32 tập thể vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica