Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu từ Campuchia
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch bệnh gia cầm như không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân.
An Giang là địa phương có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia. Ngay sau khi có thông tin liên quan đến 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam, ngăn chặn virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập vào địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Campuchia về Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Ngoài ra phải giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm, kịp thời phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch nếu có.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, bên cạnh việc kiểm soát dịch tại các cửa khẩu ngành chức năng của An Giang cũng khuyến cáo người dân phun khử khuẩn và không mua gia cầm không rõ nguồn gốc.
“Hiện nay đã siết chặt các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu; đặc biệt, không cho nhập hàng gia cầm từ Campuchia qua. Thứ 2 là khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm tiến hành phun ngừa khử khuẩn. Đồng thời không mua những động vật, gia cầm trôi nổi. Đặc biệt, siết chặt các tiểu thương không cho mua các sản phẩm gia cầm trôi nổi từ Campuchia qua” - ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Tại Đồng Tháp, địa phương đã chủ động kiểm soát dịch tại các cửa khẩu và tiến hành phun thuốc ở khu vực biên giới. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi có công văn khẩn của Viện Pasteur TP.HCM địa phương cũng đã tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của cúm gia cầm và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cũng thông tin, trước mắt địa phương thắt chặt cửa khẩu, đồng thời cho phun độc, khử trùng khu vực biên giới để ngăn ngừa cúm gia cầm.
“Trước mắt là mình thắt chặt cửa khẩu của mình, đây là công cụ rất là tốt. Thứ hai, ngăn ngừa phun độc, tiêu độc, khử trùng vùng biên giới. Ngay đầu tiên tăng cường kiểm dịch các chốt trạm kiểm dịch và các lực lượng tuần tra. Về phía nội địa của mình các giải pháp là cho lực lượng thú y của địa phương tiến hành phun xịt, khử trùng, tiêu độc, tuyên truyền cảnh báo trong nhân dân có phát hiện thì phải báo ngay cho thú y ở cơ sở để người ta đến người ta chặn dịch ngay từ ban đầu” - ông Võ Thành Ngoan nói.
Trước tình hình dịch có cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, các địa phương có khu vực biên giới đã chủ động công tác thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin cũng như khuyến cáo người dân khi thấy gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh báo cho ngành chức năng để xử lý, tiêu huỷ theo quy định./.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica